Hành vi bạo hành mẹ già gây căm phẫn, nó trái pháp luật và trái cả đạo lý. Dù đau lòng nhưng phải thừa nhận câu chuyện này không hiếm, nó diễn ra ở nhiều quốc gia, kể cả những nước tiên tiến chứ không riêng gì Việt Nam. Ngược đãi cha mẹ, đẩy cha mẹ ra đường mưu sinh khi lưng đã còng, sức đã kiệt; bỏ mặt cha mẹ với tuổi già đơn độc... Hành vi nào cũng xót xa, bất nhẫn. Đây là mặt trái của xã hội, thực trạng của đời sống, nên cách giải quyết căn cơ phải xuất phát từ quản lý xã hội.
Chúng ta đã có các trung tâm dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội nhưng điều kiện để được vào đây quy định rất chặt chẽ. Nếu còn nơi nương tựa, còn con cháu... sẽ rất khó được tiếp nhận. Còn những trung tâm dưỡng lão tư nhân thì mức phí không hề thấp.
Do đặc thù văn hóa Á Đông nói chung, phần lớn các bậc bố mẹ dành sức chăm sóc con cái, dành tất cả tài sản gầy dựng tương lai cho con và như một điều tất yếu đến tuổi già sống cùng con cái. Cách tổ chức gia đình như thế này trong quá khứ có nhiều ưu điểm: tập trung nguồn lực đầu tư cho thế hệ kế tiếp, tạo quan hệ huyết thống chặt chẽ, giữ gìn nền giáo dục hiếu đạo gia đình... Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng vun đắp được giềng mối bền vững và bất hạnh đã xảy ra không ít. Lúc này cha mẹ hầu như không còn tài sản gì, hoàn toàn yếu thế và phụ thuộc vào con cái.
Trong cuộc sống hiện đại, tổ chức gia đình có nhiều thay đổi: cha mẹ lo cho con cái nhưng có tích lũy riêng để độc lập về tài chính khi tuổi già. Dạy dỗ con cái nên người nhưng không để mình bị phụ thuộc và quan tâm nhiều đến cuộc sống cá nhân. Nếu mối quan hệ với con cái không may thiếu đầm ấm thì cha mẹ tự chủ trong việc chăm sóc bản thân, thậm chí chọn vào sống ở các trung tâm dưỡng lão bằng chính đồng tiền tích lũy của mình.
Nhưng dù là phương Đông hay phương Tây thì câu chuyện hiếu đạo luôn được dạy dỗ thâm sâu từ gia đình, nhà trường và cả xã hội. Làm người thì phải giữ hiếu đạo, thờ cha mẹ. Đây cũng là cách giáo dục thế hệ kế tiếp về cách sống, cách tạo mối quan hệ gia đình cho dù là người nghèo khó hay là một vị quân vương. Văn hóa Á Đông có vô vàn câu chuyện về lòng hiếu thuận và cũng không ít câu chuyện răn đe những ai quên bổn phận làm con.
Một câu chuyện dân gian thường được nhắc lại trong ngày Vu Lan là về cái sọt tre. Hai vợ chồng có một con trai nhỏ và nuôi người bố đã già. Họ thường ngược đãi bố và một ngày kia bàn nhau mang bố bỏ ở chợ. Người chồng đan một cái sọt tre và sáng nọ đặt bố vào mang lên vai ra khỏi nhà. Vừa đến cổng, đứa con trai của ông ta nói: "Bố mang ông đi rồi nhớ mang sọt về cho con nhé". Người bố hỏi lại: "Sọt này vứt đi, con muốn làm gì?". Đứa con trai đáp: "Để khi bố già con mang bố ra chợ khỏi phải đan cái sọt khác". Người bố run rẩy, bừng tỉnh vội quỳ xuống ôm chân bố của mình.
Bình luận (0)