29 Tết, mâm cỗ quê tôi có đầy đủ các món heo, gà, bò, bánh chưng... - đúng theo phong tục truyền thống. Trên mâm là mấy lon… trà bí đao. Các cụ ở mâm bên thì có rượu nhưng không ai đi ôtô, xe máy, thậm chí xe đạp, vì đã có con cháu đưa về.
Ở mâm thanh niên, anh em nhìn nhau cười, rồi từng người mở nắp lon nước ngọt, nước suối. Cũng hô hào, cũng chúc nhau nhưng thứ mà mọi người nâng lên là nước ngọt, nước suối; không phải rượu hay bia.
Hỏi trong mâm rằng có ai thấy buồn, thấy chán khi không uống rượu bia không, lúc đầu mọi người cười vui bảo: "Không, có sao đâu!". Nhưng rồi, có người cũng thừa nhận: "Đúng là thấy thiếu thiếu".
Nhưng "thiếu thiếu" là một chuyện, còn nếu uống thì phải cân nhắc vì chiều hôm đó, nhiều người phải lái xe đưa gia đình đi chơi.
Bữa cỗ vẫn diễn ra trong vui vẻ, dù thức uống chỉ là nước ngọt và nước suối.
Cũng hô hào, cũng chúc nhau nhưng thứ mọi người nâng lên là nước ngọt, không phải rượu hay bia.
Vậy đó, có vẻ mọi người đã nhận ra bản chất của việc xử phạt lái xe khi có nồng độ cồn cũng chỉ là biện pháp bảo vệ mọi người an toàn khi ra đường mà thôi. Đó không phải là quy định cấm uống bia rượu.
Việc đó do mỗi người tự quyết định, tự xét thấy tính mạng bản thân, gia đình với bia rượu cái nào quan trọng hơn. Nếu chọn bia rượu thì phải tìm cách khác để về nhà như taxi, xe ôm.
Nếu hỏi tôi rằng mâm cỗ Tết không bia rượu có kém vui hơn không, thì thú thật rằng có một chút. Nhưng một chút đó để đánh đổi được sự an toàn của người thân, bạn bè mình thì vẫn quá xứng đáng. Ai đã trót uống rượu bia, ở gần nhà thì bỏ ra vài chục ngàn, xa thì vài trăm ngàn đồng đi taxi, xe ôm - số tiền đó để tính mạng mình an toàn hơn, ai cũng thấy hợp lý.
Một điểm tích cực ở quê tôi là các cụ, các bác lớn tuổi tỏ ra ủng hộ và thông cảm với con cháu. Không ép thanh niên uống rượu, cùng lắm chỉ mời một câu, nếu ai từ chối là thôi.
"Rượu này quý lắm, bác cất cả năm mới đem ra mời mấy cháu đấy" - bác trưởng họ vẫn mời mọc con cháu. Song, khi tan cỗ, bác bảo từng người: "Ai uống rượu thì gọi taxi mà về, xe để đây bác trông cho".
Vậy đấy, luật đi vào cuộc sống là nhờ có những người nghiêm túc tuân thủ, và cả những người sẵn sàng cảm thông.
Bình luận (0)