Lỗi trước tiên do nhà thầu thi công cẩu thả, tái lập sơ sài nhưng cũng có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, giám sát cùng với chế tài chưa đủ sức ngăn đe.
Ngoài ra, nguyên nhân còn do chưa có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan từ lập kế hoạch, thiết kế, cấp phép cho đến thi công. Trên cùng tuyến đường có quá nhiều đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật... Chưa kể tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, nhiều đơn vị tham gia thi công trong khi bộ phận giám sát khác nhau, thậm chí thiếu kinh nghiệm chuyên ngành.
Chấn chỉnh tình trạng đào đường cẩu thả, bầy hầy, tái lập không bảo đảm chất lượng thì trước hết là trách nhiệm đơn vị thi công, giám sát, chủ đầu tư. Kế đó là trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý ngành kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý. Hướng đến cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM với nhiệm vụ được giao cần tăng cường kiểm tra thường xuyên, có hệ thống để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm. Đình chỉ thi công nếu có dấu hiệu gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, kiến nghị không cấp phép cho đơn vị tái phạm.
Cần chế tài đủ mạnh bằng cách tăng mức phạt lên nhiều lần so với mức phạt như hiện nay, xem xét trách nhiệm bồi thường nếu gây thiệt hại đối với cộng đồng, cấm các nhà thầu vi phạm nhiều lần hoặc tái lập mặt đường không bảo đảm chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng được tham gia nhận thầu. Ngoài ra, cũng cần chế tài đối với chủ đầu tư để tăng cường trách nhiệm quản lý và điều hành.
Nên có đơn vị làm đầu mối đầu tư xây dựng hào kỹ thuật để cho thuê, ngầm hóa các công trình kỹ thuật. Theo đó, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu sử dụng thì trả phí, giống như nước ngoài để tránh đào đi đào lại nhiều lần trên cùng tuyến đường.
Bình luận (0)