Các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, nhà đầu tư đã khá đầy đủ, chặt chẽ, chế tài bảo đảm nghiêm minh - như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Luật Hình sự... Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý nhiều vụ việc nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn, có xu hướng ngày càng tăng, lan rộng ra nhiều ngành, lĩnh vực.
Đáng nói ở đây là tình trạng này tồn tại khá lâu, có nhiều vụ việc đã xảy ra hậu quả lớn nhưng không được quan tâm, xử lý mạnh tay, kịp thời để ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số đối tượng "nhờn" luật, coi thường pháp luật hoặc có tâm lý làm liều để kiếm tiền bằng mọi giá, đồng thời nuôi hy vọng cơ quan chức năng, pháp luật không... sờ tới hoặc chiếm được tiền bỏ trốn là xong!
Điều này dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc khi bị phát hiện, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý thì số người bị hại đã rất đông; số lượng tiền, tài sản bị thiệt hại rất lớn, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường nắm bắt tình hình dư luận xã hội qua báo chí hoặc qua phản ánh, tố cáo của người dân để sớm có biện pháp xử lý kịp thời. Theo đó, nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm ngay từ khi manh nha, có dấu hiệu phạm pháp mà không chờ đến lúc xảy ra hậu quả hoặc đã có đầy đủ chứng cứ tội phạm.
Điều này sẽ kịp thời bảo vệ người dân và tổ chức tránh khỏi các hành vi lừa đảo của các doanh nghiệp, cá nhân làm ăn gian dối, kiếm tiền bằng mọi giá mà không quan tâm đến lợi ích của nhà đầu tư, người dân. Bên cạnh đó, góp phần giữ vững tình hình trật tự an toàn xã hội, giúp nền kinh tế phát triển lành mạnh, nhanh và bền vững.
Bình luận (0)