Sáng 7-9, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM phối hợp với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) tổ chức tọa đàm về công tác giảm thất thoát nước trên địa bàn TP HCM.
Thất thoát 27,83%
Theo SAWACO, năm 2009, tỉ lệ thất thoát nước là 41%, đến năm 2015 kéo giảm còn 30,43%; từ năm 2011 đến 2015, trung bình mỗi năm giảm thất thoát nước 2%. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tỉ lệ thất thoát nước giảm thêm 2,6%, còn 27,83%. Với tỉ lệ trên, SAWACO đã vượt mức yêu cầu và lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (32% năm 2015). Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát nước là do đường ống cũ, ống mục chưa được thay thế, tình trạng rò rỉ ống nước và cả gian lận nước của người sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đào đường gây vỡ đường ống rồi tự ý khắc phục không đúng kỹ thuật dẫn đến rò rỉ nước.
Theo tính toán, hiện tổng công suất phát nước của TP gần 2 triệu m3/ngày đêm, nếu nhân với tỉ lệ thất thoát nước là 27,8% thì mỗi ngày TP mất gần 556.000 m3. Với mức giá nước thấp nhất sử dụng cho mục đích sinh hoạt là 5.300 đồng (chưa thuế GTGT), mỗi ngày TP mất gần 3 tỉ đồng do thất thoát nước. Thời gian tới, hoạt động giảm thất thoát nước sẽ khó khăn do phải tiếp nhận thêm nhiều nguồn nước mới, đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước... Tuy vậy, SAWACO phấn đấu đến năm 2020 sẽ giảm tỉ lệ thất thoát nước xuống còn 23% thay vì 25% như mục tiêu trước đây.
Đại diện Công ty CP Cấp nước Bến Thành cho rằng hệ thống ống cấp nước cho các quận trung tâm (trong đó có quận 1 và 3) có niên đại 60-80 năm nên bị mục theo thời gian nhưng việc thay thế không dễ do nguồn lực có hạn và một số tuyến đường không được cơ quan chức năng cấp phép đào đường. Trong năm 2016, Công ty Cấp nước Bến Thành cũng chỉ thay thế khoảng 150 km đường ống cũ, mục.
Trong khi đó, bà Trầm Thị Cẩm Vân, Phó Giám đốc Công ty CP Cấp nước Tân Hòa, cho biết năm 2015, tỉ lệ thất thoát nước của công ty khoảng 35%, tình trạng xì bể ống diễn ra trên diện rộng với 5.817 điểm. Trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn công ty cấp nước xảy ra 2.733 sự cố trong đó chủ yếu là tét và gãy ống liên quan đến chất lượng vật tư, thi công. Bên cạnh đó, tình trạng gian lận nước cũng gây thất thoát nước với số lượng lớn. Bảy tháng trong năm 2016, đơn vị này phát hiện 5 trường hợp gian lận với số lượng lên tới hơn 12.000 m3.
Dời đồng hồ ra ngoài
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng Phòng Quản lý cấp nước Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, nói công suất phát nước của TP khoảng 2 triệu m3/ngày đêm so với cả nước là 7,6 triệu m3/ngày đêm (bằng 1/4 cả nước), nếu kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước ở TP thì sẽ kéo giảm được tỉ lệ thất thoát nước chung của cả nước.
Trong 5 năm, SAWACO giảm thất thoát được 10%, tương đương với một nhà máy cấp nước công suất 200.000 m3/ngày đêm, là một thành tích lớn. Ông Đức đề nghị SAWACO tập trung nguồn lực công ty với sự hỗ trợ các sở - ngành, nguồn lực bên ngoài để giảm thất thoát nước theo lộ trình được đề ra.
Về giải pháp để giảm thất thoát nước, bà Cẩm Vân cho rằng trước mắt cần di dời đồng hồ nước ra ngoài bất động sản. Cụ thể, từ nay đến năm 2020, đơn vị này sẽ di dời 13.400 đồng hồ nước ra ngoài bất động sản nhằm kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước xuống còn 18%. Giải pháp này cũng được nhiều công ty cấp nước thực hiện để hạn chế gian lận nước và thuận tiện trong công tác ghi số nước, bảo vệ đồng hồ.
Theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, TP có nền đất yếu, lún dần theo thời gian dẫn đến tình trạng gãy hệ thống cấp nước, gây ra tình trạng thất thoát nước. Theo lộ trình tăng giá nước, năm 2013 đã bắt đầu điều chỉnh nhưng trong 3 năm qua vẫn chưa thực hiện được, ảnh hưởng đến SAWACO và các công ty thành viên nhưng đây cũng là động lực để các đơn vị kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước và sử dụng nguồn nước có hiệu quả.
Ông Tám đề nghị SAWACO có thứ tự ưu tiên đầu tư ở những vùng thất thoát nước nhiều do nguyên nhân ống cũ, mục. Bên cạnh đó, các đơn vị cấp nước nên cải tạo tuyến ống kết hợp với cải tạo tuyến đường và di dời đồng hồ nước ra bên ngoài bất động sản. “Khi mạng lưới cấp nước phủ kín TP thì TP sẽ rà soát không cho khoan giếng ngầm dùng vào mục đích sinh hoạt để người dân sử dụng nguồn nước sạch có hiệu quả” - ông Tám nói.
Chỉ 20% dùng nước qua đồng hồ
Theo Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn, đơn vị này đã lắp đặt 31.283 đồng hồ nước ở 17 xã, thị trấn của huyện Củ Chi nhưng chỉ có 6.147 (20%) hộ sử dụng, số đồng hồ nước có lượng sử dụng dưới 5 m3 là 3.292 cái. Số đồng hồ không sử dụng nước (tiêu thụ bằng 0) lên tới 16.849, chiếm 54% tổng số đồng hồ nên hiệu quả cấp nước cho người dân không cao. Ở một số quận, huyện khác như Bình Tân, Hóc Môn cũng diễn ra tình trạng người dân được các đơn vị cấp nước gắn đồng hồ đến tận nhà nhưng không sử dụng, gây lãng phí và ảnh hưởng đến doanh thu các đơn vị cấp nước.
Bình luận (0)