Đó là những lời mà cậu bé Âu Nhật Tiến hay nói với mẹ trong khoảng thời gian nằm bệnh viện. Còn vài tháng nữa, Tiến mới tròn 5 tuổi, cái tuổi đáng ra phải được chạy nhảy, vui chơi cùng bạn bè, lớp học. Thế nhưng, căn bệnh suy tủy xương quái ác đã cướp đi những điều tốt đẹp đó của bé.
Chị Tạ Thị Kim Nga, mẹ của Tiến, kể trước Tết âm lịch vừa qua, chị phát hiện da của Tiến hay bầm tím dù bé không bị ngã hay va đập vào đâu. Lo lắng, vợ chồng chị đưa Tiến đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám. Tại đây, bác sĩ quyết định chuyển Tiến vào Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM. Tiến được bác sĩ chẩn đoán suy tủy xương, phải tiến hành ghép tủy (tỉ lệ thành công 70%) hoặc điều trị bằng truyền thuốc. Do chi phí cho việc ghép tủy quá đắt, vợ chồng chị Nga đành chọn phương pháp truyền thuốc cho con. Tình trạng sức khỏe của Tiến không tốt nên khi đang điều trị suy tủy xương, bé còn mắc chứng viêm phổi nặng. Việc điều trị cho bé càng thêm khó khăn, hai cánh tay Tiến lúc nào cũng cắm dây truyền dịch.
Bé Âu Nhật Tiến trên giường bệnh Ảnh: MỸ LỆ
Nhìn con trai đang được chồng tập đi lại vì sau 3 tháng nằm trên giường bệnh, Tiến mất dần thị giác và teo cơ, chị Nga rưng rưng. "Thằng bé đã trải qua 4 lần lấy tủy sống, mỗi lần lấy tủy là một lần đau đớn. Nghe tiếng con kêu khóc, ruột gan tôi đau như cắt. Rồi cứ cách 3 ngày, con phải truyền tiểu cầu, 5 ngày lại truyền máu. Giờ trên người thằng bé, từ trên xuống dưới không có chỗ nào là không có vết tiêm. Ăn uống khó khăn hơn. Xót lắm. Tôi ước người nằm trên giường bệnh này là tôi để con khỏe mạnh, có trọn vẹn tuổi thơ như bạn cùng trang lứa" - chị Nga lấy tay quệt nước mắt.
Mỗi lần lấy tủy sống và truyền máu, Tiến lại "ghét" bệnh viện, "ghét" bác sĩ, nằng nặc đòi về nhà. Thương con, vợ chồng chị Nga xin bác sĩ cho xuất viện vài ngày. Dù không thể chạy nhảy được như lúc trước nhưng Tiến vui lắm. Thế nhưng, chỉ 3 ngày, bệnh trở nặng, Tiến lại phải nhập viện.
Sau 3 tháng điều trị bằng phương pháp truyền thuốc, chi phí hơn 300 triệu đồng nhưng bệnh tình của Tiến vẫn không thuyên giảm. Bác sĩ nói phương pháp cuối cùng là ghép tủy. Khó khăn nhất của vợ chồng chị Nga là phải tìm được tủy phù hợp và chuẩn bị chi phí hơn 1 tỉ đồng. "Tiền lương nhân viên của hai vợ chồng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Chi phí 300 triệu đồng cho đợt điều trị trước là nhờ sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, người thân nhưng mỗi người đều có gia đình riêng phải lo, không thể giúp mãi được. Mấy hôm nay, vợ chồng tôi nghĩ mãi vẫn không biết tìm đâu ra số tiền 1 tỉ đồng và nguồn tủy phù hợp để cứu con trong khi bệnh tình của bé càng để lâu lại càng khó…" - chị Nga bật khóc.
Bình luận (0)