Thiên tai đổ ập xuống mảnh đất miền Trung vốn đã quanh năm vật vã với sự khắc nghiệt của thời tiết. Cơn bão vừa cuốn qua, lũ chồng lũ đã ào ạt đến, rồi sạt lở núi chôn vùi nhiều người khiến chúng ta đau xót, nghẹn ngào.
Con người thật bé nhỏ và mong manh vô cùng trước cơn giận dữ của thiên nhiên. Muôn triệu lời nguyện cầu bình an nhưng nước vẫn dâng, mưa vẫn tràn mọi nẻo và mấy cơn áp thấp lại rình rập ngoài khơi xa… Cơn giận dữ của thiên nhiên thật kinh hoàng quá đỗi! Nhưng thiên tai cũng là sự đáp trả gay gắt của tự nhiên trước cách hành xử vô tâm lẫn vô cảm của con người qua năm tháng.
Nhìn những thảm đất trống đồi trọc thay thế mảng rừng xanh bạt ngàn nơi đầu nguồn, dự báo về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã được cảnh báo từ lâu nhưng những công trình trái phép lấn đất rừng, khai phá thửa rừng để dựng khu nghỉ dưỡng, biệt phủ, sân golf vẫn ngang nhiên xâm phạm vào rừng. Cây cổ thụ bị đốn hạ không thương tiếc, gỗ từ rừng chảy về xuôi biết bao lượt khiến rừng rên xiết một cách thảm thương dưới bàn tay tham lam của con người.
Cuộc chạy đua làm công trình thủy điện vẫn chưa dừng lại làm mất đi nhiều diện tích rừng tự nhiên. Nhiều dự án vẫn được cấp phép đầu tư trong nỗi ám ảnh mơ hồ khi nhiều cánh rừng đầu nguồn như những tấm áo giáp vạn năng bị đốn hạ. Giờ thì nỗi lo về thiên tai không còn mơ hồ nữa khi miền Trung vẫn ngập chìm trong biển nước, nhà ngập mái, người mất…
Mẹ thiên nhiên đang lên tiếng, một cách mạnh mẽ và đanh thép về nguy cơ mất an toàn khi rừng bị phá hoại. Muốn sống an toàn trong tự nhiên, không còn cách nào khác là phải chung sống hòa bình, thân thiện với môi trường thiên nhiên. Rừng phải xanh thì "lá phổi của hành tinh" mới có thể điều hòa khí hậu, lấn lướt những trắc trở của thời tiết và bảo vệ con người trước thiên tai.
Bình luận (0)