GS Nguyễn Ngọc Châu - nghiên cứu viên cao cấp của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam - vừa có báo cáo gửi Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) và Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề nghị Thanh tra Bộ GD-ĐT vào cuộc, thanh tra toàn diện kết quả xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2020 của hai hội đồng ngành này và thông báo công khai cho cộng đồng khoa học và dư luận xã hội biết.
Hôm 22-10, HĐGSNN đã có công văn (lần 2) gửi hai HĐGS ngành y và dược yêu cầu rà soát, xác minh, đánh giá lại và báo cáo hội đồng trước ngày 26-10.
Thực hư về việc xét chọn nói trên đúng hay sai sẽ phải chờ kết quả xác minh, tuy nhiên điều đáng báo động và cần phải lên tiếng trong câu chuyện này đó là lẽ ra môi trường sư phạm thì không có chỗ cho sự gian lận, thế nhưng hầu như năm nào cũng xảy ra khuất tất.
Đã là giáo dục thì không thể chấp nhận những sai sót, và gian trá
Chỉ cần cập nhật vài năm gần đây mà giật cả mình, cụ thể: Năm 2019, việc xét công nhận GS, PGS cũng "dậy sóng" dư luận bởi nhiều ứng viên bị HĐGSNN loại đều có thành tích nổi trội (có 16 ứng viên GS, PGS đã bị "trượt" ở vòng HĐGSNN mặc dù đã được các hội đồng ngành, liên ngành thông qua).
Năm 2018, tại buổi họp báo vào ngày 1-3-2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cho biết có 94 ứng viên GS, PGS có đơn thư tố cáo cần xác minh.
Năm 2017, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm sâu sắc vụ GS, PGS. Theo đó, Thường trực Chính phủ kết luận Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch HĐGSNN và hội đồng chức danh cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc vì để tình trạng nhiều hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, cần phải xác minh thêm trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đợt năm 2017 (hơn 30 trường, viện đã xác nhận hồ sơ không chuẩn xác cho ứng viên GS, PGS )
Ôi trời, có thể nói môi trường sư phạm đòi hỏi phải là một nơi tinh khôi nhất. Thầy, cô giáo phải là những con người chuẩn mực nhất, song không hiểu chuyện gì đã và đang xảy ra trong lĩnh vực giáo dục nước nhà. Những sai sót mang tính chất gian lận và điều cực kỳ lo ngại là tình trạng sai phạm này đã và đang xảy ra không dứt.
Giải thích thế nào và hiểu sao đây khi năm 2017, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm sâu sắc về sai phạm này. Buồn thay, chẳng có sự rút kinh nghiệm sâu sắc nào được thực hiện, minh chứng là liên tiếp những năm tiếp sau năm nào cũng xảy ra sai sót cùng một "chủ đề" như vừa đã điểm danh ở trên.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng có liên quan cần nghiêm túc xem lại cách xét chọn GS, PGS của nước ta hiện nay. Nên chăng chuyển việc này về cho các trường ĐH thực hiện.
Bao đời nay hình ảnh thầy cô giáo đẹp lắm, cao quý lắm trong mắt học sinh, đã là thầy cô giáo cớ sao lại đi gian lận chi vậy quý thầy, cô giáo ơi?
Đã là giáo dục thì không thể chấp nhận những sai sót, đặc biệt là sự gian trá. Mong một sự thay đổi quyết liệt, triệt để để xây dựng một nền giáo dục kiến tạo cho đất nước.
Bình luận (0)