Ngư dân Quảng Bình trở về sau chuyến biển Ảnh: MINH TUẤN
Ông Trần Quang Vũ - Chủ tịch Ubnd huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình
Cần chính sách ưu đãi cho ngư dân
Bố Trạch là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề của tỉnh Quảng Bình. Trước và ngay sau khi công bố nguyên nhân độc tố khiến cá chết là do Formosa Hà Tĩnh xả thải thì chúng tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp bà con ngư dân bình tĩnh, tránh bị các đối tượng xấu kích động. Bây giờ đã rõ nguyên nhân và thủ phạm thì thứ nhất tôi mong Chính phủ sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc vụ việc và có hướng để khắc phục sự cố môi trường, trả lại màu xanh cho biển, để bà con ngư dân tiếp tục mưu sinh. Thứ hai, tôi mong Chính phủ sớm tạo điều kiện và nhiều chính sách ưu đãi cho ngư dân để họ có thể đóng tàu mới tiếp tục vươn khơi bám biển hoặc sớm phối hợp với các ban ngành có thể nghiên cứu chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân.
Ngư dân Mai Văn Hiệp, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh:
Sớm nhận hỗ trợ để sửa tàu thuyền
Thủ phạm gây ô nhiễm môi trường đã được xác định là Công ty Formosa, doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho ngư dân. Phải làm rõ trách nhiệm của những đơn vị chức năng liên quan trong việc để Formosa xả chất thải độc hại ra môi trường. Bên cạnh đó, để tránh xảy ra thảm họa môi trường như thời gian qua, thời gian tới cần phải kiểm soát chặt việc xả thải của Formosa. Hiện tượng cá chết do nhiễm độc khiến đời sống của gia đình tôi cũng như nhiều ngư dân khác gặp rất nhiều khó khăn, giờ chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ về mặt kinh phí để sửa lại tàu thuyền, ngư lưới cụ tiếp tục ra khơi đánh bắt hải sản.
Ngư dân Trần Quang Dương, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình:
Mong được đền bù thỏa đáng
Sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân thủ phạm gây ra độc tố khiến cá chết là Formosa, câu hỏi khiến chúng tôi mất ăn, mất ngủ suốt thời gian qua đã được giải đáp. Hơn 2 tháng qua, ngư dân chúng tôi không thể ra biển đánh cá, mất nguồn thu nhập, phải sống nhờ vào gạo hỗ trợ của Chính phủ. Chúng tôi mong được đền bù thỏa đáng và trả lại một môi trường biển trong lành như trước để chúng tôi yên tâm ra khơi kiếm sống.
Ngư dân Ngô Văn Lê, thị trấn Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế:
Tiếp tục cần gạo và tiền
Tôi đề nghị chính quyền và cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ về gạo, tiền mặt cho những người dân hành nghề đánh cá ven bờ bị ảnh hưởng nặng trong thời gian qua. Gia đình chúng tôi gồm 4 người, thời điểm này việc đánh cá cơ bản ổn định, giá cả hải sản cũng khá hơn nên cuộc sống đỡ chật vật hơn trước. Chính quyền cần nhanh chóng có phương án hỗ trợ cho ngư dân từ khoản bồi thường của Fomosa trong thời gian ít nhất 6 tháng.
Ngư dân Lê Tân, thị trấn Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế:
Tàu trên 90 CV cũng bị ảnh hưởng
Chiếc tàu của tôi có công suất 160 CV với 9 ngư dân hành nghề để nuôi sống 50 con người. Dù có công suất lớn nhưng tàu cũng chỉ hành nghề ven bờ, theo quy định thì tàu này chưa được hỗ trợ trong 2 đợt vừa rồi. Nghề nghiệp của chúng tôi thời gian qua ảnh hưởng nghiêm trọng, thu nhập bấp bênh mà chưa được hỗ trợ nên chúng tôi đề nghị nhà chức trách hãy quan tâm đến những chiếc tàu có công suất trên 90 CV vì họ cũng bị ảnh hưởng khá nặng.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi:
Quản lý chặt các nguồn xả thải
Thông tin cá chết hàng loạt vừa qua đã ảnh hưởng không chỉ ngư dân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế mà còn tác động đến cuộc sống ngư dân sống dọc biển miền Trung. Điển hình là ở Lý Sơn, sau khi hiện tượng cá chết xảy ra, giá hải sản Lý Sơn tụt giảm đến hơn một nửa khiến nhiều ngư dân đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa trở về bị lỗ nặng, dù đó là cá “sạch”, không bị ảnh hưởng gì bởi xả thải. Mong muốn lớn nhất của nhiều ngư dân bây giờ là nhà nước cần quản lý chặt chẽ các nguồn xả thải, không để tình trạng các doanh nghiệp ồ ạt xả thải khiến môi trường bị hủy hoại, ngư dân cũng mất luôn nguồn hải sản nuôi gia đình.
Kinh tế các địa phương bị thiệt hại nặng
Theo ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, mặc dù Chính phủ đã công bố nguyên nhân và thủ phạm trực tiếp xả thải gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt dọc ven biển 4 tỉnh miền Trung trong thời gian qua nhưng sự cố vừa rồi là rất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp là ngư dân các xã ven biển mà nó còn lan sang các ngành kinh tế khác, nhất là du lịch. Chính sự cố ô nhiễm môi trường biển đã khiến du lịch tỉnh trở nên ảm đạm, lượng khách đến Quảng Bình không được như mong muốn. “Do ngành du lịch bị thiệt hại nghiêm trọng nên các doanh nghiệp trong và ngoài nước định đầu tư ở các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn phải dừng lại, đó là những điều mà chúng tôi cho rằng không những thiệt hại trước mắt mà còn lâu dài. Riêng về lĩnh vực kinh tế, mới thống kê sơ bộ đã thiệt hại hơn 4.000 tỉ đồng” - ông Hoài nói.
Bình luận (0)