Trong khi thực hiện bài ghi nhận về những điều chưa được về xe buýt (bài "Còn bất an với xe buýt" đăng trên Báo Người Lao Động ngày 17-7), chúng tôi đồng thời lấy ý kiến của người dân về những n hận xét, những câu chuyện bản thân họ đã trải qua lẫn mong mỏi của họ đối với loại hình phương tiện này.
Những điểm trừ của xe buýt
Là sinh viên Trường ĐH Luật TP HCM, Lê Minh Tú (20 tuổi) thường xuyên sử dụng xe buýt để đi học. "Tôi thấy việc phân bố điểm chờ xe buýt chưa đồng đều, có những nơi dày đặc nhưng cũng có nhiều nơi khoảng cách giữa 2 điểm chờ rất xa. Ngoài ra, còn tình trạng đón, trả khách không đúng trạm, khá nguy hiểm cho xe máy đang lưu thông cùng chiều. Tuy nhiên, điều mà tôi thấy lo ngại nhất là nhiều chuyến xe buýt chỉ có tài xế mà không có phụ xe, tiếp viên. Ở những chuyến xe đó, chúng tôi xếp hàng đi lên cửa trước, cầm sẵn tiền để đưa cho tài xế. Vào giờ cao điểm rất mất thời gian bởi có khi phải đợi trả lại tiền thừa hoặc nhiều người chưa chuẩn bị sẵn tiền cầm trên tay. Ngoài ra, việc này cũng gây khó khăn cho những người già hoặc những người mới ở quê lên TP HCM vì tài xế lo điều khiển xe, không thể hướng dẫn dừng trạm nào, đi xe nào để tới được địa điểm cần tới như vai trò của người phụ xe" - Minh Tú cho biết.
Còn sinh viên Trần Tuấn Đạt (21 tuổi) lại kể về những tình huống từng gặp khi đi xe buýt: "Có những lần xe chỉ có 30 ghế ngồi nhưng khách khoảng 50 người dẫn đến chen lấn, giẫm chân. Khi xe chạy thắng gấp, mọi người ngã đè vào nhau, cãi cọ qua lại, suýt đánh nhau nếu không kịp can ngăn. Hay có những chuyến vì đông khách quá nên có người bị móc ví, lúc phát hiện thì không biết ai là kẻ trộm" - Tuấn Đạt kể.
Giới thiệu từng là "nạn nhân" của những chuyến xe buýt cũ kỹ, phóng nhanh, vượt ẩu, bà Nguyễn Kim Hoa (bán quán ăn tại quận 2) chia sẻ: "Mỗi lần ngồi trúng mấy chuyến xe đó, tim tôi đập thình thịch mà không dám nói, chỉ biết ngồi cầu nguyện. Lo cho mình mà lo cả cho những người đang lưu thông trên đường nữa. Tôi biết tài xế cũng chịu áp lực giờ giấc nhưng quan trọng hơn cả là sinh mạng con người".
Một điểm trừ nữa cho xe buýt, theo chị Đoàn Thúy Liễu (nhân viên văn phòng ở quận 3, ngụ quận 9), đó là nhiều trạm chờ quá nhếch nhác, dơ bẩn, ghế của xe xuống cấp nghiêm trọng, lật nghiêng khiến hành khách nhiều lần chực ngã. "Đặc biệt, nhiều lần đến trạm, tiếp viên không nhắc, nhiều khách bị lố đường, phải mất công đi bộ ngược lại hoặc tốn thêm tiền đón xe ôm. Tôi đi nhiều nên quen chứ nhiều người ở các tỉnh lên lơ ngơ không biết dừng ở trạm nào, tội nghiệp lắm. Một số xe có máy thông báo trạm kế tiếp nhưng đổi xe chạy từ tuyến này qua tuyến khác lại không cập nhật khiến nhiều hành khách thất thần vì tưởng nhầm tuyến khi xe số 06 thông báo lịch trình của xe số 08" - chị Liễu góp ý kiến.
Với chị Trần Thúy Hoa (giáo viên một trường tiểu học tại quận 3), nguyên nhân khiến chị "cạch mặt" xe buýt chính là văn hóa ứng xử của nhân viên lẫn hành khách đi xe. "Cách đây 2 năm, tôi có dịp đi xe buýt cùng người bạn và tởn đến giờ. Vừa lên xe, chúng tôi đã chạm ngay gương mặt lạnh lùng của cô nhân viên và sau đó là những lời lẽ cộc cằn, thô lỗ chỉ vì không chuẩn bị sẵn tiền lẻ, cứ như chúng tôi là những kẻ đi nhờ chứ không phải là hành khách mà họ đang phục vụ. Chưa hết, xe cũ kỹ, bốc mùi, nhiều hành khách nói chuyện ồn ào, văng tục, thoải mái xả rác, gác chân lên ghế trước… Từ đó, tôi không một lần bước chân lên phương tiện này nữa" - chị Hoa kể.
Xe buýt số 06 trông nhếch nhác, cũ kỹẢnh: Lê Tuấn
Cần cải thiện nhiều
Khi được hỏi về những mong muốn đối với xe buýt, rất nhiều ý kiến đều cho rằng hiện vẫn còn nhiều xe buýt xuống cấp, cũ, hỏng khiến họ cảm thấy không an toàn khi ngồi trên xe. Họ mong muốn thay thế xe mới hiện đại, an toàn và đẹp hơn. Có ý kiến còn cho rằng nếu được thì có thể trang bị thêm dây an toàn ở những tuyến xe buýt ngoại thành để bảo đảm an toàn khi xảy ra tình huống phanh gấp. Hoặc với chị Nguyễn Thị Xuân Thùy (24 tuổi, nhân viên văn phòng), cần có lực lượng như TNXP chẳng hạn, hướng dẫn cho người dân nên đi xe nào, đi tuyến gì, thời gian bao lâu... để giúp những người ít đi xe buýt hoặc mới sử dụng xe buýt tại TP HCM.
"Trong khi chưa có điều kiện mở rộng diện tích đất cho giao thông, chưa đủ tiền để đa dạng hóa các phương tiện thì mạng lưới xe buýt được tổ chức và vận hành khoa học, thỏa mãn yêu cầu của người dân... là sự chọn lựa ít tốn kém hơn cả, có thể làm bộ mặt TP văn minh, hiện đại hơn, giải quyết nạn kẹt xe. Muốn như vậy, trước hết phải làm sao cho hành khách không phải chờ đợi quá lâu, đi quá xa. TP nên có những tuyến xe buýt lớn chạy theo những trục đường lớn và những tuyến xe buýt nhỏ phủ khắp địa bàn; đồng thời, bố trí, tăng tuyến làm sao để rút ngắn thời gian chờ đợi của khách. Tiếp đến là giờ giấc bảo đảm chính xác để hành khách chủ động tính toán công việc. Bên cạnh đó, một điều không kém phần quan trọng đó là sự sạch sẽ, thoải mái, an toàn, không quá tải, chen chúc; thái độ phục vụ của nhân viên, tài xế phải ân cần, nhẹ nhàng. Trên một chiếc xe buýt văn minh, lịch sự, chắc chắn hành khách rồi cũng phải biết tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp" - bạn đọc Trần Hữu Vinh (ngụ quận Gò Vấp) nêu ý kiến.
Xe cá nhân tăng quá nhanh
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, trong 6 tháng đầu năm, tình trạng ùn tắc giao thông đã được cải thiện nhưng còn diễn biến phức tạp, tình trạng kẹt xe xảy ra vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường hướng tâm của TP, các trục ra vào các cảng hàng không, cảng biển do số lượng phương tiện xe cá nhân tăng quá nhanh trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp cũng như chưa có giải pháp kiểm soát xe cá nhân hiệu quả. Bên cạnh đó, ùn tắc còn do ảnh hưởng mưa lớn, các công trình cải tạo hạ tầng giao thông, thoát nước và mật độ người, phương tiện lưu thông tập trung đông vào giờ cao điểm. Ngoài ra, tình trạng mất trật tự lòng đường, họp chợ tự phát diễn ra ở nhiều nơi… cũng gây ra tình trạng ùn tắc tại nhiều tuyến đường. S.Đông
Bình luận (0)