Thú vui ăn quà vặt, túm tụm bên hàng bánh tráng trộn, xúc xích hay trà sữa không ít lần khiến tôi gờn gợn nỗi lo, nhất là trước thông tin các vụ ngộ độc xảy ra liên tiếp gần đây.
Học trò của tôi thường mua và xé nhỏ chia nhau ăn ngon lành thịt bò khô, thịt nai và thịt hổ. Tên gọi vậy thôi chứ nguyên liệu làm từ đâu, chế biến thế nào, vệ sinh thực phẩm có bảo đảm… thì có lẽ "trời mới biết". Có điều, chỉ cần xé lớp bọc ni-lông ra là mùi thịt đậm đặc lập tức nồng lên trong không khí.
Rẻ và ngon là hai tiêu chí khiến bọn trẻ dễ bỏ qua những dặn dò của người lớn về an toàn thực phẩm. Trong khi đó, phụ huynh chúng ta đưa trẻ đến trường thường cho con em tiền nhưng rồi chúng sử dụng thế nào, chọn mua trong căng-tin hay bên ngoài thì không thể kiểm soát.
Trường học nào cũng có cảnh báo về mối nguy mất an toàn thực phẩm trước cổng trường, thậm chí nhiều trường còn ra hẳn nội quy về xử lý học sinh ăn quà vặt. Tuy nhiên, giải pháp tình thế dường như chẳng thể cản được bước chân tò mò, háo hức và lén lút mua quà vặt trên những gánh hàng rong của học trò.
Một vài đợt ra quân xử lý của cơ quan chức năng nhằm chấn chỉnh tình hình bán hàng rong trước cổng trường dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Bởi, cứ thấy bóng dáng của cơ quan chức năng, người bán hàng rong lại tìm cách tránh né, thoắt ẩn thoắt hiện.
Khi chúng ta tuyên truyền và thực thi quy định chưa nghiêm khắc, thực phẩm bẩn vẫn còn "đất sống", vây trường học! Do vậy, cơ quan chức năng cần xử lý dứt điểm các gánh hàng rong không bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đó cũng là biện pháp xóa đi những hình ảnh lộn xộn, xấu xí trước cổng trường.
Song song với đó là giải pháp tuyên truyền, giáo dục từ nhà trường, gia đình nhằm tác động mạnh mẽ hơn tới nhận thức, hành động của trẻ…
Bình luận (0)