Là người quan tâm đến diễn biến “giành lại vỉa hè, lòng đường” của UBND quận 1 nói riêng và UBND TP HCM nói chung, tôi thấy đây là chủ trương đúng, hợp lòng dân, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, biểu dương. Nói cách khác, công tác này hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Một chủ trương, một quyết tâm chính trị thuận lòng mọi người, mọi giới, phù hợp với quy định pháp luật.
Hết sức cam go!
Ở bất kỳ quốc gia nào, vỉa hè, lòng đường đều thuộc tài sản của quốc gia và được sử dụng trong lĩnh vực giao thông đường bộ; không cá nhân, tổ chức nào được quyền sở hữu. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành đều quy định rất rõ. Do vậy, “giành lại vỉa hè, lòng đường” thực chất là việc chính quyền buộc những đối tượng xâm phạm phải trả lại đúng chức năng cho vỉa hè, lòng đường.
Tuy nhiên, như thông tin trên báo chí, sau 40 ngày ra quân của UBND quận 1, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bắt đầu xuất hiện trở lại. Điều này cho thấy việc giành lại vỉa hè hết sức cam go, là một phép thử rất lớn đối với công tác thực thi pháp luật, kỷ cương phép nước, kỷ cương hành chính đô thị.
Từ lâu, chúng ta đã nhắc nhiều đến chuyện kỷ cương hành chính “trên bảo dưới không nghe” xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực. Mệnh lệnh hành chính từ cơ quan cấp trên, người có thẩm quyền cấp cao truyền đạt xuống nhưng cấp dưới không nghe, không thực hiện hoặc thực hiện ngược với chỉ đạo. Việc này không chỉ làm cản trở sự thông suốt của bộ máy công quyền mà quan trọng hơn còn là sự xem thường kỷ luật hành chính, là lực cản đối với sự phát triển đất nước. Rất tiếc, do nhiều yếu tố, cả chủ quan lẫn khách quan; do cơ chế bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chồng chéo; nhóm lợi ích đan xen… nên những trường hợp chống lệnh cấp trên đều được cho qua, ít khi bị xử lý, dẫn đến tình trạng “lờn thuốc”. Một khi “con bệnh” đã “lờn thuốc” thì việc “điều trị, kê toa bốc thuốc” để trị dứt căn bệnh là hết sức khó khăn. Dù vậy, để đất nước phát triển, có được một “chính phủ liêm khiết”, “chính phủ kiến tạo” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ đầu nhiệm kỳ đã đặt ra thì có khó khăn, gian nan đến mấy cũng phải trị cho bằng được căn bệnh “trên bảo dưới không nghe”.
Hành động cương quyết
Thực ra, trong một nền hành chính liêm khiết, công bằng, chính trực thì lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường là công việc thường xuyên, hằng ngày của chính quyền cơ sở: cấp phường, xã, thị trấn. Một số nơi, chính quyền cơ sở không làm được thì ngoài năng lực, nhận thức yếu kém còn đan xen cả lợi ích cá nhân trong đó.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ rất đúng và trúng khi đặt trách nhiệm ở chủ tịch và trưởng công an phường. Vấn đề còn lại là việc thực hiện kỷ cương hành chính (cách chức người không hoàn thành nhiệm vụ) sẽ ra sao khi mà tình trạng tái chiếm vỉa hè, lòng đường đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại?
Theo tôi, cần bổ sung thêm nếu phường nào để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, ngoài việc cách chức chủ tịch, trưởng công an phường thì cách chức luôn bí thư đảng ủy phường đó. Bởi lẽ, người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm cao nhất và trước tiên đối với mọi vấn đề phát sinh trên địa bàn mình công tác.
Với một chủ trương đúng, hợp lòng dân nên người dân đang rất quan tâm và trông chờ vào hành động của chính quyền TP. Người dân đã ủng hộ, đồng lòng thì chính quyền TP cần phải đáp ứng lại sự kỳ vọng đó bằng những hành động cương quyết, công bằng, minh bạch; mạnh dạn xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Nếu lần này vẫn làm theo kiểu phong trào, “đánh trống bỏ dùi”, rầm rộ nhưng cuối cùng đâu vẫn vào đấy thì uy tín của chính quyền TP đối với người dân sẽ giảm sút. Quan trọng hơn, niềm tin về một nền hành chính liêm chính, kỷ cương, kỷ luật sẽ bị đặt dấu hỏi.
Triệt tiêu lợi ích “ma quái”
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã tồn tại hàng chục năm nay. Đơn cử, chỉ một đoạn ngắn vài trăm mét đường Phạm Văn Bạch (phường 15, quận Tân Bình), dọc tường rào sân bay đã có hàng trăm điểm kinh doanh trái cây, hải sản, quần áo, vật liệu xây dựng... tràn lan 2 bên đường gây kẹt xe hằng ngày và xảy ra rất nhiều vụ tai nạn chết người nhưng UBND phường ngó lơ. Nhiều nơi khác trong TP cũng tương tự. Người dân thừa biết vỉa hè, thậm chí ở một số nơi là lòng đường, là nguồn thu ngoài luồng của một số người có trách nhiệm quản lý phường. Rất nhiều hộ buôn bán lấn chiếm như một sự hiển nhiên vì đã trả tiền cho việc sử dụng này. Còn phường không thể làm quyết liệt vì “há miệng mắc quai”.
Chỉ khi nào TP làm rõ việc thu tiền này, truy đến cùng người nhận tiền, triệt tiêu thứ lợi ích “ma quái” đó thì mới giành được vỉa hè cho người đi bộ.
Trân Phương
Bình luận (0)