Công khai danh sách người có chứng chỉ hành nghề dược
Thông tư 07/2018/TT-BYT quy định chi tiết một số điều về kinh doanh dược của Luật Dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8-5-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
Theo đó, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động hoặc có sự thay đổi về người được cấp chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề, cơ sở kinh doanh dược phải thông báo đến sở y tế tỉnh, TP trực thuộc trung ương nơi cơ sở kinh doanh dược hoạt động danh sách người có chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề dược tại cơ sở.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách người có chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề của cơ sở hoạt động trên địa bàn, sở y tế có trách nhiệm công khai trên trang thông tin điện tử của sở y tế danh sách người có chứng chỉ hành nghề. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-6-2018.
Quy định phạm tội lần đầu
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng điều 66 và điều 106 của Bộ Luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Trong đó, có giải thích các trường hợp người phạm tội được coi là phạm tội lần đầu. Cụ thể, tại khoản 2 điều 2 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP quy định những trường hợp được coi là phạm tội lần đầu nếu: Người phạm tội trước đó chưa phạm tội lần nào; đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích.
Phạm tội lần đầu là một trong những điều kiện để xem xét tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nghị quyết có hiệu lực ngày 9-6-2018.
Công trình sai phép, không phép phải dừng thi công
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Thông tư 03/2018/TT-BXD quy định chi tiết một số điều của Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng; kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Theo đó, đối với công trình thi công sai phép hoặc không có giấy phép mà đang xây dựng thì phải dừng thi công kể từ thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản, người vi phạm phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng và xuất trình người có thẩm quyền xử phạt.
Cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng nếu biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh. Thông tư có hiệu lực từ ngày 12-6-2018.
Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, đối tượng áp dụng của văn bản này bao gồm sĩ quan quân đội, sĩ quan công an đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tương đương, cục, vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính và tham gia vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính. UBND các cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính. Nghị định có hiệu lực từ ngày 21-6-2018.
Bình luận (0)