4 giải pháp chống “đinh tặc”
Báo chí đã nói rất nhiều về nạn “đinh tặc” nhưng hầu như việc xử lý chưa đạt hiệu quả mong muốn. Bởi vậy, “đinh tặc” ngày càng lộng hành, đe dọa cuộc sống cộng đồng. Nhắc lại chuyện đội mũ bảo hiểm: Khi tuyên truyền, vận động thì hiệu quả không cao. Đến khi áp dụng biện pháp chế tài phạt nặng, hầu như ai ai cũng tuân thủ quy định. Do đó, cần phải có những biện pháp mạnh để xử lý là điều tất yếu. Tôi đề xuất 4 giải pháp: Một là, đưa vào luật khung hình phạt tăng nặng đối với “đinh tặc”. Hai là, lãnh đạo địa phương nào không làm tốt công tác an toàn giao thông, trật tự xã hội để “đinh tặc” lộng hành thì cách chức. Lãnh đạo cấp trên phải chịu trách nhiệm liên đới và phải nhận hình thức kỷ luật tương thích. Ba là, phát động phong trào toàn dân chống “đinh tặc”. Bốn là, phải có chế độ khen thưởng kịp thời, xứng đáng vì thành tích chống nạn “đinh tặc”.
Nguyễn Huệ (Bình Dương)
Xe hút đinh của các đội thanh niên xung kích tại TPHCM ra quân làm sạch đường phố. Ảnh: NHƯ PHÚ
Cấm hành nghề vĩnh viễn
Tôi hết sức cảm kích và trân trọng các “hiệp sĩ” ra tay giúp dân, hoan nghênh Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) Chi nhánh Bình Dương đã hỗ trợ kịp thời để các “hiệp sĩ” có điều kiện góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Chúng tôi cũng vui mừng vì sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các địa phương và tin rằng rồi đây tình hình sẽ khác trước, cái xấu, cái ác phải bị ngăn chặn và đẩy lùi.
Theo tôi, chính quyền cần có biện pháp nghiêm trị bọn “đinh tặc” và các tiệm sửa xe liên quan đến “đinh tặc” này như phạt tù thật nặng, cấm hành nghề sửa xe vĩnh viễn mới mong dẹp được nạn “đinh tặc”.
Ngọc Khoa (TPHCM)
Xử thật nặng
“Đinh tặc” muốn kiếm tiền bằng mọi cách và vẫn biết rằng hành động của mình có thể dẫn đến chết người nhưng họ bất chấp tất cả. Để ngăn chặn cách kiếm tiền nguy hiểm này, tôi đề nghị cứ bắt được kẻ nào rải đinh, nung đỏ miếng sắt do họ đã rải xuống đường rồi in vào giữa trán của chính họ. Làm như vậy, dù đã được thả về nhà, họ cũng không dám tái phạm. Báo NLĐ thử đưa ý kiến của tôi lên xem nào, thử xem bao nhiêu người sẽ phải nói: Ừ, hay đấy!
Trí Quang (Đồng Nai)
Phẫn nộ
Có người nhà suýt chết do cán phải đinh trên quốc lộ, gia đình chúng tôi rất phẫn nộ với bọn bất lương này. Có thể họ là người nghèo, không có việc làm thu nhập ổn định nên bày trò này để kiếm sống nhưng không vì thế mà chấp nhận hay xử nhẹ bọn người vô nhân tính này. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng tìm giải pháp nghiêm trị bằng việc kết hợp xử phạt, răn đe, giáo dục đúng mức. Những địa bàn có tệ nạn này cần giao nhiệm vụ cho cán bộ mặt trận, đoàn thể và chính quyền cơ sở đồng loạt ra quân ngăn chặn “đinh tặc” để người dân bớt khổ. Theo tôi, muốn xóa “đinh tặc” một cách triệt để, chúng ta chú trọng khen thưởng người có công phát hiện, truy bắt và xử phạt kẻ rải đinh, song song đó cần phải quy trách nhiệm những địa phương lơ là để “đinh tặc” hoành hành trong thời gian dài.
Cao Đình Nhân (TPHCM)
Nghịch lý
Không gì nghịch lý, đau lòng bằng khi người dân đã đóng thuế, đóng phí để đi trên những con đường luôn bị tai nạn rình rập bởi những trò kiếm sống trên sinh mạng người khác chỉ vì vài chục ngàn đồng tiền vá ruột, thay vỏ. Thực sự không khó giải quyết triệt để nạn rải đinh nếu các địa phương đồng loạt kiểm tra, giám sát hoạt động của các tiệm bơm vá xe trên địa bàn mình quản lý. Lại thêm một nghịch lý nữa, những cán bộ hưởng lương Nhà nước để bảo vệ trật tự trị an thì không bắt được “đinh tặc” trong khi phần lớn tội phạm rải đinh bị phát hiện, bắt giữ dưới tay của lực lượng quần chúng-những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Nguyễn Thanh Liêm (Bình Dương)
“Đinh tặc” là tội phạm hình sự nguy hiểm
Ai cũng biết “đinh tặc” hoạt động từ nhiều năm về trước nhưng chưa đến mức lộng hành như hiện nay. Lỗi đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương. Hoặc vô cảm, hoặc thiếu trách nhiệm, lãnh đạo các địa phương để tồn tại tệ nạn “đinh tặc” nhởn nhơ hoạt động tại địa bàn mình phụ trách. “Đinh tặc” hoạt động có âm mưu, có hành vi kiếm tiền đê hèn, chúng biết hành vi của mình có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn bất chấp, do vậy phải xem đối tượng rải đinh bẫy người đi đường là tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm, phải truy cứu ở tội danh “Cố ý giết người”. Tôi đề nghị quý báo NLĐ phải tìm cách phản ánh những bức xúc của người dân đến đại biểu Quốc hội các địa phương liên quan và đặc biệt là phải đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chương trình nghị sự cuối nhiệm kỳ sẽ bổ sung khung hình phạt xử lý hành vi rải đinh nhẹ nhất là 10 năm tù giam. Giải quyết triệt để tận gốc rễ nạn “đinh tặc” chỉ có Quốc hội, bằng khung hình phạt nặng, mới đáp ứng được sự kỳ vọng của lòng dân.
Đặng Thanh Hùng (TPHCM)
Bình luận (0)