Những năm qua, TP HCM đạt được nhiều kết quả quan trọng, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, đóng góp ngân sách lớn nhất nước. Hơn thế, TP HCM còn là trung tâm văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục...
Bên cạnh thuận lợi, thế mạnh có được, TP HCM cũng đối diện nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn đến sự phát triển nhanh, bền vững. Vì lẽ đó, cần có giải pháp tổng thể, khả thi nhằm phục hồi và vực dậy nền kinh tế sau đại dịch, giữ vững và nâng tầm vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, từng bước vươn ra thế giới.
Hình thành trung tâm tài chính quốc tế
TP HCM cần được hưởng những cơ chế đặc thù nhằm có thể cạnh tranh được với các trung tâm tài chính trong khu vực. Cần nâng cao tính chuyên nghiệp của thị trường tài chính. Tiến đến thị trường hóa cao độ các dịch vụ tài chính tương thích với các thông lệ, chuẩn mực của quốc tế thông qua việc sửa đổi luật lệ, quy định, chính sách... Đa dạng hóa các thành phần tham gia thị trường. Thành phố cần giải bài toán về chính sách thuế, chính sách tiền tệ và cơ sở hạ tầng. Đào tạo và thu hút được nhân lực có kỹ năng và trình độ chuyên sâu trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, công nghệ...
Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI) phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhằm thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển nhanh, bền vững. Muốn vậy, thành phố cần xây dựng và phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo; nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và áp dụng vào thực tiễn các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các nhóm giải pháp đề án đô thị sáng tạo, đô thị thông minh; xây dựng đội ngũ nhân lực trí tuệ nhân tạo đủ số lượng, bảo đảm chất lượng.
TP HCM cần có giải pháp khả thi để nâng cao vị thế đầu tàu kinh tế
Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở mức độ ứng dụng công nghệ mới, thay đổi mô hình quản trị, mô hình kinh doanh, mà quan trọng hơn còn là sáng tạo công nghệ, qua đó giúp thành phố cải thiện được chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ, từ đó tham gia sâu hơn vào chuỗi kinh tế toàn cầu.
Xây dựng TP HCM trở thành một trung tâm khởi nghiệp lớn của khu vực hay xây dựng thương hiệu TP HCM thành thương hiệu toàn cầu cũng là những giải pháp cấp thiết để thành phố trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước.
Hướng biển để phát triển
Phát triển về hướng biển là xu thế tất yếu để TP HCM ngày càng hội nhập sâu rộng và trở thành cửa ngõ quốc tế thật sự. Do đó, xác định định hướng chiến lược để thành phố có kinh tế biển, chuỗi đô thị biển phát triển, kết nối với quốc tế và khu vực đã trở thành yêu cầu cấp thiết.
Chuyển từ tăng trưởng dựa trên đất đai sang dựa vào biển. Mô hình tăng trưởng tương lai của TP HCM cần kết nối vùng để đẩy mạnh kinh tế biển, cảng biển gắn chuỗi đô thị biển. Ngoài ra, xây dựng Cần Giờ thành điểm đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế.
Một giải pháp nữa cần kể đến là kinh tế tuần hoàn bởi đem lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội.
Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với TP HCM là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống; tránh lệ thuộc nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Giải pháp này cũng góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát triển đô thị không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn là khởi tạo môi trường đáng sống để thu hút nguồn nhân lực, duy trì tính bền vững của cộng đồng. Do đó, việc cần làm không chỉ mở rộng ranh giới đô thị, tăng số lượng các khu đô thị mới mà còn tạo ra cho người dân không gian sống có thể thích ứng với những thay đổi về lối sống và biến đổi về kinh tế. Ở đó, mọi tầng lớp người dân đều tìm thấy cơ hội bình đẳng, phát triển tương lai của mình theo khả năng.
Cuối cùng, trong điều kiện quỹ đất đô thị và vùng ven bị hạn chế, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để tăng sản lượng cây trồng, vật nuôi là vấn đề mang tính tất yếu và cấp bách. Đây được xem là mô hình có thể góp phần cải thiện nền kinh tế, phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời là giải pháp tối ưu góp phần cung ứng nguồn nông sản tươi ngon đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cư dân đô thị.
Để phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, cần rà soát, bổ sung, sửa đổi để có bộ chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ cao, chính sách tài chính để khuyến khích kinh tế hợp tác xã phát triển, coi đó là khoản đầu tư hạ tầng cho thành phố, vừa bảo đảm an sinh xã hội vừa an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, môi trường sinh thái.
Hơn thế nữa, TP HCM cần triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020; Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Trình Chính phủ và Quốc hội xem xét cho phép TP HCM được giữ lại tỉ lệ thu ngân sách cao hơn hiện nay để tăng nguồn lực thực hiện tái đầu tư.
Điểm đến du lịch y tế
TP HCM khá nổi tiếng trong lĩnh vực y khoa như chữa hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho tỉ lệ thành công cao; kỹ thuật châm cứu trong y học cổ truyền phương Đông; dịch vụ nha khoa với chi phí thấp, đội ngũ y - bác sĩ tay nghề cao... Vì vậy, cần nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển ngành y tế thành phố trở thành trung tâm y khoa của khu vực Đông Nam Á. Sớm xây dựng trung tâm chẩn đoán các bệnh lý kỹ thuật cao, kiểm định y khoa kỹ thuật cao nhằm giữ bệnh nhân ở lại các bệnh viện trong nước điều trị, thu hút bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam du lịch chữa bệnh.
Bình luận (0)