Pháp luật đã có những quy định đối với người nuôi như: nuôi chó trong khuôn viên nhà mình; nhốt chó, xích lại khi có người lạ; dắt chó ra ngoài phải rọ mõm, có xích để người nhà dắt… Cũng có quy định về trách nhiệm dân sự của chủ vật nuôi, người sở hữu vật nuôi khi để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác (bồi thường chi phí khám chữa bệnh, nằm viện, thương tích sức khỏe, tinh thần…). Ngoài ra, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt nghiêm khắc. Nói tóm lại, khi xảy ra việc vật nuôi xâm hại tính mạng, sức khỏe, thiệt hại vật chất của người khác thì chủ vật nuôi sẽ phải đối mặt với các chế tài nghiêm khắc mà pháp luật quy định.
Tuy nhiên, chờ "được vạ, má đã sưng". Quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa. Nên chăng, xem xét lại chuyện cho phép nhập và để các hộ dân thoải mái nuôi những giống chó có ngoại hình to lớn, tính cách hung dữ. Bởi chuyện những con chó to lớn gây họa trong cộng đồng dân cư không phải là hiếm, thậm chí đã có những vụ chết người xảy ra do bị chó tấn công nhưng hầu hết người dân chưa có các biện pháp để phòng chống và nhiều chủ nuôi cũng thiếu ý thức trong việc bảo vệ cộng đồng. Một số nước như Canada, Pháp, Anh, New Zealand hay Phần Lan đã cấm nuôi loài chó hung dữ (như Pitbull) từ nhiều năm trước vì đánh giá rằng đây là loài động vật quá nguy hiểm khi sinh sống với con người trong gia đình.
Bình luận (0)