Sáng 10-2 (mùng 6 Tết), người dân làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã tổ chức lễ hội chém lợn. Từ năm 2016, sau những tranh cãi ồn ào, nghi lễ trong hội chém lợn đã được tổ chức ở phòng kín.
Truyền thống lâu đời
Lễ hội chém lợn là nét văn hóa lâu đời của người dân làng Ném Thượng, được tổ chức hằng năm vào mùng 6 Tết nhằm tưởng nhớ công lao của một vị tướng cuối đời Lý, khi đến vùng núi này đã chém lợn rừng nuôi quân đánh giặc; đồng thời cầu mong một năm mới an lành, may mắn.
Con lợn trong lễ chém lợn mang tính linh thiêng, rất được coi trọng, người dân gọi một cách tôn kính là "ông Ỉn". Người nuôi lợn được lựa chọn kỹ càng từ những người có gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề. Người chém lợn để tế thánh cũng được chọn từ những người khỏe mạnh, con cháu đề huề, đúng tuổi 50. Trước khi làm lễ, 2 "ông Ỉn" được nhốt trong 2 cũi hồng rước với cờ trống, lọng, kèn, đưa đi quanh làng. Đi đến đâu, người dân bày mâm cúng, góp tiền công đức đến đó. Sau đó, 2 "ông Ỉn" được đặt tại sân đình. Hai thủ đao sẽ ra tay chém một nhát đứt làm đôi để tế thánh trong sự hò reo của người tham gia. Thịt lợn được xem là thiêng liêng; máu lợn được xem là đem lại may mắn, sung túc, mùa màng bội thu... Thịt lợn sau khi tế thánh được chia đều cho mọi người để cả làng được phát tài, phát lộc.
Lễ chém lợn ở sân đình làng Ném Thượng trước đây Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Từ năm 2016, các chuyên gia, tổ chức động vật và nhiều người dân phản đối nghi lễ này vì cho rằng hành vi trên quá dã man đối với động vật, ảnh hưởng đến xã hội và tâm lý người xem, nhất là trẻ em nên nghi lễ chém lợn được thực hiện ở một khu quây kín bạt. Bên ngoài phòng chém, đội múa lân biểu diễn phục vụ người xem. Nghi lễ kết thúc, cỗ ngọc tế thánh làm từ thịt của 2 "ông Ỉn" được dâng lên cúng lễ và sẽ chia lộc cho người dân.
Ngoài lễ hội chém lợn, ở Tây Nguyên và huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế có lễ hội đâm trâu cũng với ý tưởng mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tùy theo mục đích, hoàn cảnh cụ thể mà lễ hội được tổ chức trong những thời điểm, không gian khác nhau.
Với những người ủng hộ thì đây là tục lệ, tín ngưỡng lưu truyền trong nhân dân đã bao đời và là nét văn hóa độc đáo, đặc trưng mà nhân dân nhiều vùng miền đang ra sức giữ gìn, bảo vệ nên không thể bỏ. Hơn nữa, dù nhà nước có vận động, thuyết phục thì các cụ bô lão, người dân trong làng cũng không đồng ý vì ngoài những giá trị lịch sử, tâm linh, lễ hội còn góp phần làm cho cuộc sống, con người thêm tươi vui, hướng thiện.
Cái xấu sẽ bị đào thải
Việc người dân làng Ném Thượng đưa lợn vào nhà kín để hành lễ, theo nhiều người, đã là sự thay đổi để phù hợp với bối cảnh hiện tại mà vẫn bảo lưu được lễ hội. Tuy nhiên, con lợn vẫn bị giết dã man để tế thần nên nhiều ý kiến vẫn kiên trì đề nghị nên dẹp bỏ.
Thực tế, trong lịch sử, con người đã thay từ việc hiến tế tính mạng sang hiến tế động vật. Hay các vua chúa, quý tộc ngày xưa khi chết thường được "tùng táng", "tùy táng" theo người, thú vật sống, đồ vật thật... nhưng rồi theo sự phát triển văn minh, đã được thay thế bằng những hình nhân, hàng mã… mang ý nghĩa biểu tượng. Như vậy, sau hàng ngàn năm, cái xấu, cái dở theo thời gian sẽ bị đào thải. Lễ hội vẫn có thể bảo tồn nhưng nên đưa ra biểu tượng mang tính chất tượng trưng chứ không nên chém, đâm động vật thật. Suy cho cùng, việc hiến tế cũng chỉ là hình thức, có thể dùng biểu tượng để thay thế mà không hề làm mất đi giá trị của sự vật, hiện tượng được "biểu tượng hóa" và vẫn giữ được bản sắc, văn hóa.
Hơn nữa, theo nhiều ý kiến, ở các làng quê Việt Nam có rất nhiều lễ hội trang trọng, nhân văn, gắn liền với nền văn minh lúa nước... Những nghi lễ khiến người ta ghê sợ, cổ xúy bạo lực, thậm chí dã man, không còn phù hợp với lối sống văn minh thì nên loại bỏ khỏi cộng đồng. Đây là điều mà nhiều nước trên thế giới cũng đã làm. Ở một số nước, một hành động đánh đập, bạo hành động vật cũng bị coi là vi phạm pháp luật. Chúng ta đang hòa nhập với văn hóa thế giới, làm bất kỳ điều gì, cả thế giới cũng thấy. Những hình ảnh phản cảm, không phù hợp với văn hóa của nhân loại sẽ bị phản ứng và tác động tới kinh tế - xã hội, cụ thể là ngành du lịch và hình ảnh của Việt Nam.
Ngoài ra, theo Tổ chức Động vật châu Á, nhiều nghiên cứu cho thấy những người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng đối xử tàn ác và thô bạo đối với những người khác trong cùng cộng đồng.
Mời tham gia diễn đàn
Nhiều ý kiến trái chiều quanh việc có nên duy trì nghi lễ hiến tế động vật. Những ý kiến ủng hộ thì cho rằng đây là tục lệ, tín ngưỡng lưu truyền trong nhân dân, cần phải gìn giữ, bảo vệ. Ngược lại, không ít ý kiến lên án vì quá dã man, không phù hợp với lối sống văn minh. Cũng có ý kiến cho rằng muốn bảo lưu những lễ hội này thì cần thay đổi cách thức thực hiện để không gây phản cảm, tác động xấu đến cộng đồng. Còn bạn thì sao? Vui lòng gửi ý kiến của bạn qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Trân trọng cảm ơn.
Bình luận (0)