Phần lớn phương tiện đổ về trung tâm thành phố bằng xe máy khiến xe buýt bị bủa vây bởi xe máy. Xung đột xảy ra giữa dòng phương tiện đi thẳng với rẽ phải và xe từ các đường ngang rẽ ra xa lộ Hà Nội.
Giao thông thêm ùn tắc khi xung đột trực tiếp giữa các dòng phương tiện với nhiều xe container ra vào chở hàng ở các bến bãi trung chuyển và cảng Cát Lái, Phước Long, Trường Thọ… Giờ cao điểm lại xuất hiện xe ben chở đất và vật liệu xây dựng, không che chắn cẩn thận làm rơi vãi xuống mặt đường, cản trở giao thông, bụi bay mù mịt, nhất là đoạn gần cầu Rạch Chiếc.
Tại những nút giao có hệ thống tín hiệu như MK và Cát Lái, do kéo dài thời lượng đèn đỏ cho dòng xe container lưu thông rẽ phải, xe máy và xe buýt dừng đợi nối đuôi nhau. Gần trạm thu phí BOT có 2 luồng phương tiện ra vào đường ngang, dọc theo cầu Rạch Chiếc xung đột với dòng xe đi thẳng bên phải trên xa lộ Hà Nội.
Đoạn qua cầu Cát Lái, các luồng phương tiện đổ dồn ra vào các đường ngang cũng gây xung đột, kẹt xe. Gần nút giao đèn tín hiệu đối diện Big C ùn tắc, kẹt xe tại các đường ngang ra vào khu dân cư Masteri An Phú, Giang Văn Minh, Võ Trường Toản, Lê Thước… Đoạn đối diện Mega Market An Phú xung đột giữa các xe đi thẳng với ra vào các đường ngang khu dân cư Masteri Thảo Điền, Vincom Mega Mall.
Thực trạng xa lộ Hà Nội có bề rộng đến 12 làn xe, ùn tắc và kẹt xe thường xảy ra tại các vị trí giao cắt với đường ngang. Ngoài ra, xung đột giữa xe buýt với xe máy không chỉ gây ùn tắc mà còn mất an toàn giao thông. Xe buýt mỗi khi ra vào trạm đón trả khách thường phải thắng gấp, hành khách bị nhào về phía trước, cắt ngang dòng xe máy phía sau, không ít lần đã xảy ra tai nạn giao thông.
Xa lộ Hà Nội hiện khá rộng, nên chăng ưu tiên làn đường sát lề mỗi bên dành cho xe buýt lưu thông để tách biệt với các phương tiện khác, thuận lợi trong di chuyển, bảo đảm giờ giấc, an toàn giao thông, hành khách tiện lên xuống. Làn đường ưu tiên có thể dùng vạch sơn xanh để phân biệt, trong điều kiện bình thường có thể cho xe máy lưu thông, vào giờ cao điểm chỉ dành riêng cho xe buýt. Như vậy, vừa an toàn cho người đi xe máy vừa bảo đảm lộ trình lưu thông cho xe buýt.
Trên các tuyến đường ngang có thể phân luồng một chiều. Ví dụ đoạn gần cầu Cát Lái, xe một chiều ra trên đường ngang và một chiều vào đường dọc cầu. Tương tự, đoạn còn lại hướng về cầu Sài Gòn cũng phân luồng một chiều ra vào sẽ giảm bớt xung đột trên các đường ngang, thuận lợi hơn là đường song hành đang cho phép lưu thông 2 chiều nên các phương tiện sẽ chủ động điều tiết từ xa để không đổ dồn tại một điểm.
Nên hạn chế hoặc cấm xe ben chở đất giờ cao điểm, xử phạt và chế tài các trường hợp làm rơi vãi đất, vật liệu xây dựng, gây mất an toàn giao thông. Tăng thời lượng đèn xanh cho dòng xe máy và xe buýt.
Bình luận (0)