8 giờ 30 phút, 12 học sinh ê a đọc bài theo cô giáo. Em nhỏ nhất 8 tuổi, lớn nhất đã 18 tuổi… Đây là hình ảnh diễn ra đều đặn ở phòng 17, lớp 1C Trường chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú, TP HCM) do cô Lê Thị Hồng Thắm (53 tuổi) đứng lớp. 15 năm gắn bó với ngôi trường này là ngần ấy năm cô giáo Lê Thị Hồng Thắm phải đóng 2 vai "vừa làm cô vừa làm mẹ" của hàng trăm trẻ thiểu năng.
Cô giáo như mẹ hiền
Ngày nào cũng vậy, Hưng - cậu bé lanh lẹ nhất lớp - vừa thấy cô Thắm bước vào đã nhanh nhảu hô to: "Học sinh đứng!". Xong, em quay qua nhắc nhở vài bạn không chịu đứng lên. Vừa được cô cho ngồi xuống, cả lớp lại nhốn nháo cười khi nghe thông báo: "Hôm nay cô ôn lại bài toán cũ là phép trừ trong phạm vi 7". Nghe cô nhắc nhở "cả lớp im lặng nào", tiếng cười nhỏ lại.
Lần lượt từng em được cô Thắm mời đứng lên nhắc lại bài học cũ. Ðể dạy phép trừ, cô sử dụng những miếng dán bắt mắt với hình quả bưởi, củ cà rốt, con cá... cho các em dán lên bảng, sau khi đếm số lượng sẽ tặng bớt cho cô giáo và đếm số còn lại. Mỗi lần tặng cô giáo món gì, các em rất thích thú và nhanh nhảu trả lời kết quả.
Tiết học toán thỉnh thoảng được cô Thắm chen vào vài câu đố vui như: "Con gì có vẩy có đuôi. Suốt ngày bơi lội ở trong ao hồ ?". "Ðó là con cá, hôm trước chúng ta đã học bài về con vật rồi, các con nhắc lại cho cô nào" - cô Thắm nhẹ nhàng. Ðây là cách cô thường dùng để gợi lại trí nhớ cho các em bởi với những trẻ chậm phát triển trí tuệ thường không tập trung, bài học hôm trước thì hôm sau các em đã quên.
Bằng tình thương, sự kiên trì trong giảng dạy, cô Lê Thị Hồng Thắm đã giúp không ít học trò thiểu năng hòa nhập cộng đồng
Trong khi các bạn cùng học thì V. ngồi im lặng, gãi đầu. Cô Thắm liên tục giục em đứng lên trả lời các câu hỏi. "V. mất tập trung nhiều nên mỗi buổi học tôi phải ưu tiên, quan tâm nhiều hơn để "kéo" em lên, nếu lơ là em sẽ tụt lại" - cô giải thích. Những tiếng ê a kéo dài, những câu nói lặp đi lặp lại, thỉnh thoảng xen lẫn tiếng cười, tiếng hô toáng lên khiến người lạ phải giật mình. Song, tất cả đều bình thường ở lớp học đặc biệt này.
Buổi học kết thúc lúc 10 giờ 30 phút cũng là lúc cô Thắm tất bật chuẩn bị bữa trưa cho các em. Sau bữa trưa, một số em thiểu năng trí tuệ nặng được cô thay giúp quần áo, dẫn đi vệ sinh rồi dẫn về phòng ngủ.
Gần 12 giờ, lo cho các em đâu vào đấy, cô Thắm thay vội bộ đồ, quần còn ống thấp ống cao, ăn vội chén cơm, chuẩn bị giờ thực hành trồng rau vào đầu giờ chiều. "Mình không chỉn chu cũng không sao nhưng phải lo cho tụi nhỏ thật tươm tất. Tụi nhỏ ngủ ngon, ăn no thì buổi chiều mới vui vẻ học tập" - cô cười tươi.
Nghĩ về các em là vượt qua tất cả
Theo cô Thắm, nếu ở những ngôi trường khác, hạnh phúc của giáo viên là tỉ lệ các em lên lớp cao hay tỉ lệ học sinh giỏi vượt trội thì ở ngôi trường này, hạnh phúc của giáo viên thật đơn giản. Ðó là các em tự cầm muỗng xúc cơm, tự phục vụ, vệ sinh cá nhân hay nhớ và đọc được bài học hôm trước…
Nhắc lại cơ duyên gắn bó với ngôi trường đặc biệt này, cô Lê Thị Hồng Thắm hồi tưởng năm 2006, sau thời gian nghỉ ở nhà nuôi con nhỏ, cô quyết định quay lại nghề giáo viên mầm non. Cầm hồ sơ xin việc lên Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Tân Phú, cô được giới thiệu đến Trường chuyên biệt Bình Minh vì nơi đây đang rất cần giáo viên.
"Nghe 2 chữ "chuyên biệt", tôi rất lo vì ngại không hiểu tâm lý của các em cũng như chưa có kiến thức chuyên môn dạy trẻ thiểu năng. Với suy nghĩ họ có thiếu mới cần đến mình nên tôi đến trường thử dạy một buổi. Vậy mà ngay buổi đầu tiên, được các em vây quanh, ôm chặt như gặp người thân khiến tôi xúc động và quyết định gắn bó với trường" - cô Thắm nhớ lại buổi đầu đầy ấn tượng ấy.
Nhờ dạy tốt, năm 2008-2011, cô Thắm được nhà trường tạo điều kiện tham gia lớp cử nhân giáo dục đặc biệt. Cô vừa đi dạy vừa tranh thủ học vào thứ bảy và chủ nhật. Cũng thời điểm đó, mẹ chồng cô lâm bệnh nặng. Ban ngày dạy, tối về cô tranh thủ thuốc thang, nấu cháo cho mẹ.
Năm 2015, chồng cô Thắm quyết định nghỉ làm ở nhà chăm mẹ. Một mình cô gồng gánh gia đình, nuôi 2 con đang tuổi ăn học. Nhiều lúc không có tiền đóng học phí cho con, cô phải chạy vạy khắp nơi. Ðến nay, con trai lớn của cô đang học năm thứ 4 đại học sư phạm, vừa rồi còn nhận bằng khen "Sinh viên 5 tốt" của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, cháu nhỏ đang học cấp III.
"Những khó khăn trong cuộc sống giúp tôi cứng cáp hơn trong công việc. Hơn cả, nhìn các con ở trường chuyên biệt thiệt thòi về tinh thần, tôi càng thấy rõ khó khăn của mình không là gì cả và càng quyết tâm giúp các con hòa nhập cộng đồng" - cô Thắm chia sẻ.
Cô Thắm nói 15 năm đứng lớp, mỗi năm tiếp nhận một lứa học trò mới là những cảm xúc khác nhau. Có những lứa học trò ngoan, tâm lý ổn nhưng cũng có những em rối loạn hành vi nặng, dễ cáu gắt, dễ nổi nóng, sẵn sàng lao vào đánh cô giáo bất cứ lúc nào. Chuyện bị học trò đánh cũng không lạ gì với giáo viên nơi đây. Mỗi lần như thế dù đau nhưng các cô phải giữ bình tĩnh, vỗ về, trấn an để tinh thần các em ổn định lại.
"Nhờ kiên trì áp dụng liệu pháp tình thương, tôi đã "trị" được nhiều học trò "khó tính". Đặc biệt, tôi đã giúp 7 học trò hòa nhập cộng đồng sau thời gian học ở trường. Ðây là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao" - cô Thắm xúc động.
Một giáo viên cần mẫn, giỏi chuyên môn
Nói về người đồng nghiệp của mình, cô Phạm Thị Nhật Phượng - Phó Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Bình Minh - cho biết cô Thắm không chỉ là giáo viên cần mẫn, chịu thương chịu khó mà còn giỏi chuyên môn. Tuy lớn tuổi nhưng cô luôn học hỏi, áp dụng những kiến thức mới, công nghệ thông tin vào giảng dạy, tạo sự thích thú cho học trò.
Ngoài ra, cô Thắm còn vô cùng "mát tay" khi dạy hướng nghiệp cho các em với mô hình trồng rau sạch. Luống rau nào cô trồng cũng tươi tốt. Học trò rất thích mỗi khi "ra đồng" với cô.
Bình luận (0)