Sau mỗi Tết Nguyên đán, báo chí lại phản ánh nhiều về hình ảnh phản cảm tại các lễ hội. Thật ra, đó là những lễ hội rất thiêng, ẩn trong đó là mong muốn sự an lành và phồn vinh. Mỗi lễ hội đều có những thông điệp rất nhân văn, văn hóa, được tổ tiên ta xây dựng từ hàng ngàn năm nay. Vấn đề đặt ra là vì sao bây giờ lễ hội lại bạo lực, biến tướng như thế?
Do con người mà ra
Bản thân lễ hội không có tội, nó bị những người không có ý thức tham gia làm hỏng đi tính nhân văn, làm mất đi tính thiêng. Người ta quá đề cao vật chất, nghĩ đến cái lợi trước mắt mà mình có thể hưởng ngay nên cố tranh giành cho được quả cầu may để năm tới được hưởng may mắn, tài lộc.
Tôi lấy ví dụ ở cạnh đất nước chúng ta, các ngôi chùa của Lào, Campuchia, Thái Lan…, không ở đâu các tín đồ hay người vãn cảnh lại chen lấn, xô đẩy, đánh nhau như ở chúng ta. Đơn giản là vì họ thấm nhuần giáo lý nhà Phật, hiểu và tôn trọng tín ngưỡng của mình. Trong khi đó, tâm lý nhiều người Việt Nam hiện nay là muốn mau chóng làm giàu, thăng quan tiến chức. Họ nghĩ dâng lễ vật to thì cầu được, mua được các vị thần linh. Điều này hoàn toàn không đúng với giáo lý nhà Phật và các tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Cũng chính vì hiểu không đúng bản chất của tâm linh, không đi sâu tìm hiểu những điều căn bản để giác ngộ nên người ta hành động sai, ứng xử hời hợt, vô thức theo phong trào.
Nâng cao giáo dục, thay đổi tổ chức
Muốn có hành xử đúng, trước hết những người tham gia lễ hội phải hiểu đúng mục đích của lễ hội, việc thờ cúng các vị thánh thần, những triết lý hay giáo lý căn bản của mỗi tín ngưỡng mà mình tin theo.
Ngày xưa, người ta vẫn cướp phết, cướp lộc nhưng không đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán. Vì vậy, ngoài việc nâng cao giáo dục nhận thức về tâm linh sao cho đúng, thấm được vào đời sống con người thì khâu tổ chức cũng phải thay đổi cho phù hợp với xã hội hiện đại. Phải tính toán, đầu tư thế nào để việc tổ chức lễ hội vừa vui, đúng tầm, linh thiêng nhưng vẫn bảo đảm an ninh trật tự.
Mười ngày trước, tôi dự lễ hội kéo co ở Hương Canh, Vĩnh Phúc. Lễ hội này rất dễ sinh ra ẩu đả giữa bên nọ bên kia vì có sự ganh đua. Tuy nhiên, bây giờ người ta xây dựng ở đó một sân vận động, có khán đài cho mọi người ngồi, ở giữa là nơi các đội thi đấu, còn xung quanh là hào nước ngăn khán giả vào nơi thi đấu. Tổ chức trong 3 ngày liền, lúc nào cũng đông vui mà vô cùng yên bình, văn minh. Trước đây, tôi cứ nghĩ xây sân vận động là hỏng mất lễ hội nhưng được dự tận nơi, tôi thấy họ đã thật sự đi trước một bước trong tổ chức lễ hội.
Hội cướp phết Tam Nông, Phú Thọ mà báo chí đồng loạt đưa tin là bạo lực, vì sao chúng ta không tổ chức một bãi cướp phết ngăn cách hẳn với khán giả, chỉ có trai làng tham gia thi đấu? Ở lễ hội đền Trần, ai cũng biết không gian trong đền chứa được bao nhiêu người, vì sao các nhà tổ chức cứ cho hàng ngàn người tràn vào? Nếu bên trong chỉ chứa 100 người thì chỉ cho 100 người vào một lần, hết đợt này sang đợt khác, xếp hàng vào.
Ngăn chặn sự biến tướng của lễ hội, khó nhưng vẫn phải làm. Chúng ta từng cấm đốt pháo, buộc phải đội mũ bảo hiểm, ban đầu dân cũng kêu nhưng sau này đều đồng tình. Xã hội phải dựa trên luật pháp, bình đẳng và công bằng. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, người tham gia lễ hội cũng phải chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Những người cướp ấn, đánh nhau, phá phách… phải bị xử lý.
Xin đừng phát ấn ở Hoàng thành...!
Ban Quản lý di tích Hoàng thành Thăng Long vừa thí điểm tổ chức phát ấn vào mùa Xuân này. Tôi nghĩ đây là sai lầm nghiêm trọng. Hoàng thành Thăng Long là di tích lịch sử văn hóa, không phải đền, chùa để đi phát ấn. Đừng biến di sản văn hóa đại diện của nhân loại thành nơi tâm linh để cầu khấn, cầu may. Điều này không đúng và còn nguy hiểm nữa. Tôi cảm nhận họ đang đi sai đường khi ứng xử văn hóa với di tích…
Bình luận (0)