Cứ đến hẹn lại lên, mỗi dịp Xuân về Tết đến thì báo chí phản ánh việc chém lợn, đâm trâu, phản ánh việc đánh nhau, cướp giật lễ vật (kể cả tài sản của công dân) trong các lễ hội… Oái ăm thay, những lễ hội ấy được vinh danh là lễ hội văn hóa! Văn hóa dân tộc Việt Nam như thế ư? Nếu không phải thì tại sao như vậy? Luật pháp ở đâu? Chính quyền ở đâu? Các hội, đoàn thể ở đâu?
Đừng đổ cho mặt trái cơ chế thị trường
Qua hình ảnh mà báo, đài đăng tải, tôi thấy những người ấy không phải nghèo cũng chẳng phải vô học. Truyền thống của dân tộc ta là “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Nghèo tiền nghèo bạc chứ không nghèo nghĩa nghèo nhân”… Cái nghĩa, cái nhân ấy đã chạy đi đâu? Trả lời câu hỏi này, không thiếu người đổ sấp đổ ngửa cho mặt trái của cơ chế thị trường. Cứ cho rằng đó là mặt trái của cơ chế thị trường thì tại sao chúng ta không học “mặt phải’ của cơ chế thị trường mà học cái “mặt trái” ấy? Bây giờ là thời đại kỹ thuật số, không ai còn tin những lời đổ sấp đổ ngửa ấy cả.
Có người cho rằng những hành động ấy là do… niềm tin tôn giáo. Với tôi, đó cũng là ý kiến “cả vú lấp miệng em”. Phật dạy: “Một lòng ngăn ý, vững thân chánh hành, siêng làm việc lành, chẳng bị điều ác, siêng mình độ thoát, được nhiều phước đức”, chứ không dạy phải cướp giật, đánh nhau như thế. Phật còn dạy: “Ơn trong thế gian và xuất thế gian có 4 thứ: 1- Ơn cha mẹ, 2- Ơn chúng sinh, 3- Ơn quốc vương, 4- Ơn Tam bảo” và “Người nào biết ơn, tuy còn ở trong sinh tử mà căn lành chẳng hư. Kẻ chẳng biết ơn, căn lành diệt mất”. Những người có hành động phản cảm ấy, dù có may mắn, có làm quan, có phát tài… thì có trả được 4 cái ơn trong thế gian như lời Phật dạy không? Chắc chắn là không.
Buông lung chính là gốc của điều ác
Tôi nhớ không lầm, khi góp ý cho Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần VI - Đại hội của Đổi mới, xóa bỏ nền kinh tế bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường, Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài nói về chủ nghĩa Mackeno (mặc kệ nó) đã có mặt trong cuộc sống trước ngày đất nước tiến hành công cuộc đổi mới. Chủ nghĩa này biểu hiện một thái độ vô can “không biết, không nghe, không thấy”, dửng dưng trong cuộc đấu tranh một mất một còn giữa cái đúng và cái sai, giữa tiến bộ và lạc hậu. Liền sau đó, Báo Tuổi Trẻ phát động cuộc thi “Kể chuyện Mackeno” và được đông đảo bạn đọc hưởng ứng. Từ đó, thuật ngữ “Mackeno” đi vào đời sống cho đến hôm nay.
Những hành động phi văn hóa ấy biểu hiện đạo đức, lối sống tuột dốc. Báo chí phản ánh nhiều; những người có tấm lòng với tiền đồ dân tộc than vãn khá nhiều, ngay cả các nghị quyết, các văn bản của Đảng, của nhà nước cũng có đề cập nhưng dường như nhiều người còn… Mackeno.
Tôi xin mượn lời của Phật kết thúc bài viết này: “Buông lung chính là gốc của điều ác, chẳng buông lung mới là nguồn của các điều lành”.
Đừng đồng nhất văn hóa với tâm linh
Theo giáo sư Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trong nhiều năm sự hiểu biết về tín ngưỡng, lễ hội của người dân bị đứt đoạn do bị cấm đoán, người đi lễ hội không hiểu, không có tri thức về đời sống tâm linh. Ngay cả một số người làm quản lý văn hóa cũng vậy, cũng muốn địa phương mình đông khách, phát triển du lịch nên đã làm sai lệch các yếu tố tâm linh, giá trị văn hóa.
“Đền Trần 30 năm trước không mấy ai biết đến, sau đó người ta dựng lên tích ấn của vua Trần, rồi đồn thổi các quan chức đến xin được thăng quan tiến chức, cứ thế người dân khắp nơi tìm đến. Việc phát ấn ban đầu mang ý nghĩa “tích đức vô cương” (cầu mong cho sự phúc đức mãi mãi) nhưng sau này, chúng ta tỉnh hóa, toàn quốc hóa lễ hội này thì đã biến ý nghĩa của ấn đền thành ấn phong quan tiến chức. Người ta đi xin ấn để được thăng chức như một nhu cầu xã hội. Không nên kéo xã hội vào tâm linh mê muội như vậy vì văn hóa là văn hóa, tâm linh là tâm linh, đừng đồng nhất tất cả với nhau” - giáo sư Huy nhấn mạnh.
H.L.Anh
Bình luận (0)