* Phóng viên: Thưa ông, gần đây xảy ra nhiều vụ tấn công bệnh viện (BV), hành hung nhân viên y tế; có trường hợp bác sĩ (BS) bị cả chục người truy đuổi. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
- PGS-TS Lương Ngọc Khuê: Đúng là thời gian qua, nhất là tại các BV lớn, nơi có số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh đông, đã phát sinh một số sự việc như: “cò” BV, trộm cắp, móc túi, lừa đảo, bắt cóc trẻ sơ sinh…, gây mất ổn định an ninh tại các BV.
Thật ra, không phải bây giờ mà trước đây cũng từng xảy ra vấn đề này, thậm chí rất nghiêm trọng, như: người nhà bệnh nhân bắn BS ở BV Nhi trung ương; hàng loạt vụ hành hung cán bộ y tế ở Bắc Ninh, Cà Mau, Bình Thuận…; đâm chết BS ở Thái Bình… Bộ Y tế đã có nhiều cuộc họp để đánh giá nguyên nhân của tình trạng này. Thứ nhất, tình hình chung của trật tự an ninh xã hội phức tạp, trong khi các biện pháp bảo đảm an ninh ở nhiều BV chưa được quan tâm đúng mức. Thứ hai, sự quá tải ở một số BV đã tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi; lãnh đạo các BV còn buông lỏng quản lý; thiếu sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Đặc biệt, giữa thầy thuốc và bệnh nhân chưa có sự đồng cảm, hiểu nhau, thái độ ứng xử của một số nhân viên y tế chưa tốt dẫn đến bệnh nhân và người nhà bức xúc, có những lời lẽ xúc phạm.
* Lâu nay, một số BV đã ký kết quy chế phối hợp với công an địa phương. Tuy nhiên, khi có xô xát, chờ được công an đến thì BS đã “bươu đầu mẻ trán”, tài sản BV đã bị đập phá. Theo ông, ngành y tế cần làm gì để sự phối hợp có hiệu quả hơn?
- Theo ký kết giữa Bộ Y tế với Bộ Công an, bên công an sẽ hỗ trợ BV trong việc ngăn chặn tình trạng “cò” níu kéo bệnh nhân, nạn côn đồ tấn công BV hoặc trộm cắp, móc túi, bắt cóc trẻ... Tuy nhiên, cái chính vẫn là phía BV, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà. BV là nhà thương thì không thể tuyển thật nhiều bảo vệ hoặc xây tường thành, bao thép gai... Chúng tôi đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp trong nội bộ, như: tăng cường công tác bảo vệ, tuyển nhân viên bảo vệ từ các công ty bảo vệ, lắp đặt hệ thống camera an ninh, hệ thống báo động khẩn cấp, trang bị khóa từ ở các khoa có nguy cơ mất an ninh cao. Đặc biệt, phổ biến cho nhân viên y tế nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và người nhà, kỹ năng phát hiện và xử lý trước các tình huống, nguy cơ... Chúng tôi cũng đã nêu lên những hiện tượng, vấn đề và nhờ cơ quan truyền thông giúp đỡ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để họ hiểu, cảm thông với thầy thuốc...
* Giải pháp lâu dài, căn cơ trong thời gian tới là gì?
- Muốn loại bỏ bạo lực phải ngăn chặn nguồn gốc phát sinh bạo lực. Bên cạnh những giải pháp đã triển khai và đang thực hiện, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các vi phạm của nhân viên y tế theo quy định hay truy tố nếu có dấu hiệu phạm tội, dứt khoát không bao che, xử lý nửa vời; theo dõi, quản lý, giám sát các sự cố y khoa... Quan trọng nhất vẫn là nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, cải thiện chất lượng phục vụ bệnh nhân và người nhà của họ, bao gồm cung cách ứng xử văn minh. Bên cạnh đó, người bệnh và thân nhân cũng phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, tố giác tội phạm thì BV mới trở thành một nơi thực sự an toàn.
Bình luận (0)