Cần loại bỏ nền giáo dục nói dối và xử lý nghiêm trách nhiệm gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia là 2 nội dung đáng chú ý mà đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đã kiến nghị trong phiên họp Quốc hội sáng 30-5. Những ý kiến này thu hút sự quan tâm, bình luận của đông đảo bạn đọc Báo Người Lao Động.
Phần đông dư luận nhìn nhận mầm mống giả dối tồn tại trong rất nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Những biểu hiện giả dối trong giáo dục ngày càng nhiều lên, và trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Điển hình là vụ nâng điểm, "mua bằng bán cấp" xảy ra ở 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.
Vụ việc tiêu cực, gian lận thi cử ở Sơn La đến nay vẫn chưa giải quyết xong
"Có thể nói chưa bao giờ gian dối trong giáo dục mà cụ thể là trong thi cử lại đặt ra nhiều câu hỏi bức thiết đến vậy. Còn đâu sự công bằng cho những người học tập chân chính? Chất lượng đào tạo cho thế hệ tương lai, rường cột của nước nhà sẽ ra sao? Và còn những hệ lụy nào cho ngành giáo dục, cho xã hội hôm nay và mai sau?" – bạn đọc Nguyễn Khánh viết.
"Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo mà trước hết là Bộ trưởng" – bạn đọc Huy Trần nhận định.
Những biểu hiện của tệ nạn nói dối trong nền giáo dục ngày nay phổ biến đến nỗi mỗi phụ huynh, học sinh, ngay cả những người không làm công tác quản lý giáo dục, cũng có thể kể ra những trường hợp cụ thể khác nhau. "Gian lận trong giáo dục thì thời nào cũng có. Nhưng chưa bao giờ mức độ gian lận lại trở thành nỗi nhức nhối cho toàn xã hội đến vậy" – bạn đọc Minh Anh bình luận.
"Đúng! Việc này tồn tại đã quá lâu, quá sâu rộng. Ngành giáo dục đã quá tham vọng, đặt ra vô số mục tiêu mà không tính đến việc đảm bảo chất lượng dạy và học. Hàng loạt chỉ tiêu cao ngất ngưởng được đặt ra mà không hề quan tâm tới chất lượng thực tế. Người ta ép chỉ tiêu, buộc một lớp học tiêu chuẩn phải có 99% học sinh lên lớp; 75% học sinh khá giỏi; trường phải buộc có học sinh giỏi các cấp; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp phải tăng qua từng năm, thậm chí đạt mức tiệm cận 100%… Để rồi xã hội toàn học sinh giỏi, toàn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng số lớn lại không đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực" – bạn đọc Huỳnh Nga nêu.
Theo bạn đọc Hoàng Kim, gian lận thi cử chính là vết cắt vào lòng tin của nhân dân, làm phương hại đến những người thầy chân chính. "Đến hôm nay, dư luận cần lắm câu trả lời, pháp luật sẽ làm gì để trừng trị thích đáng những kẻ đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, làm tổn thương đến những thầy chân chính, làm băng hoại những giá trị tốt đẹp của nghề giáo cao cả, lấy lại lòng tin cho nhân dân?" – bạn đọc Hoàng Kim chia sẻ.
Bạn đọc Thái Minh hiến kế: "Để xảy ra những tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, vấn đề dư luận quan tâm không phải chỉ dừng lại ở việc ai nhận trách nhiệm mà là pháp luật sẽ xử lý ra sao, có như vậy trừ hậu họa về sau. Về cán bộ sai phạm, phải công khai danh tính và có hình phạt nghiêm khắc nhất, thậm chí là truy tố trách nhiệm hình sự. Đối với phụ huynh và học sinh liên quan cũng tương tự. Đặc biệt, phải nhanh chóng đình chỉ học tập đối với các đối tượng học sinh đậu đại học nhờ được nâng điểm, và xem xét cho những thí sinh bị đánh rớt chỉ vì những kẻ gian lận xen vào. Như vậy mới đủ sức răn đe xã hội".
Một khi căn bệnh nói dối trầm kha của giáo dục chưa được chấm dứt triệt để thì còn nhiều hơn nữa những người cha, người mẹ phải đau đớn thốt lên: "Là một phụ huynh, tôi thấy đau buốt cho tương lai con mình" như bạn đọc Nam Cao bày tỏ.
"Muốn xóa bỏ những dối trá trong giáo dục phải ngăn chặn sự ngụy tạo thành tích ngay từ ban đầu. Loại bỏ bệnh thành tích trong nghành giáo dục thì sẽ không còn nói dối nữa. Sâu xa, đối với thế hệ trẻ, chúng cần được giáo dục tốt hơn về đạo đức, về trách nhiệm về lòng tự trọng và sự trung thực khi đứng trước cái xấu xa, cám dỗ. Những con người tự trọng và trung thực sẽ giúp đào thải ngành giáo dục nói dối".
"Nhưng lòng tự trọng liệu có vượt qua được thời buổi cơm áo gạo tiền khi chính sách về lương, thưởng, phụ cấp cho nhà giáo còn quá nhiều bất cập. Vì sao đa số nhà giáo đều muốn về hưu sớm hơn so với khả năng cống hiến của họ? Vì sao họ dần mất niềm tin và tâm huyết với nghề? Về sâu xa, cần phải xem xét lại những chính sách đối với nhà giáo và hơn hết, họ cần được biệt đãi xứng đáng" - bạn đọc Nguyễn Trịnh đặt câu hỏi.
Bình luận (0)