Dưới mái nhà của gia đình Việt Nam từ ngàn xưa luôn tồn tại ba, bốn thế hệ cùng chung sống, tạo ra những giá trị đạo đức, gia phong làm nên phẩm chất của con người Việt Nam đến ngày nay.
Nhà phải có gia phong
Mỗi một gia đình, dù giàu hay nghèo, đều có những quy định tối thiểu trong việc răn dạy con cháu về thói nhà, nề nếp riêng, cách ăn, lối ở...; nói ngắn gọn là gia phong. Nền nếp gia đình tốt có ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ mai sau, thậm chí quyết định thái độ, sự tự tin và thành công của con cháu khi ra ngoài xã hội.
Nền nếp gia đình xưa là phải có trên, có dưới, biết trọng già, quý trẻ, "bề trên" nói thì "bề dưới" phải lắng nghe.
Chưa hết, nếp nhà của người Việt Nam không chỉ là những cách ứng xử, lời ăn tiếng nói, mà còn là tình yêu đối với truyền thống văn hóa gia đình. Đó có thể là truyền thống về lòng hiếu thảo, tính tôn ti trật tự, hiếu học, gìn giữ nghề gia truyền…
Bởi vậy nếp nhà, hay truyền thống gia đình là vô cùng quan trọng để giữ cho gia đình được hạnh phúc.
Nét nổi bật nhất trong nếp nhà, truyền thống gia đình của người Việt Nam là luôn ghi nhớ cội nguồn, biết ơn công lao sinh thành của cha mẹ. Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" được thể hiện rõ nhất qua những dịp đám giỗ, lễ, Tết…, con cháu sum vầy, ôn lại truyền thống gia đình, nhắc nhớ về ông bà, cha mẹ qua những câu chuyện kể.
Bàn thờ tổ tiên và những cuốn gia phả chính là nơi lưu giữ, nhắc nhở về gốc gác của mỗi người, dù có nhiều chi, nhiều nhánh chằng chịt nhưng đều quy về một ông tổ. Đó là cách mà mỗi nhà, mỗi dòng tộc luôn cố gắng gìn giữ để kết nối với họ hàng xa gần.
Dù thời cuộc trải qua những cuộc bể dâu, nền nếp, văn hóa gia đình vẫn được kế thừa và truyền lại qua các thế hệ, góp phần tạo nên sức sống bền bỉ văn hóa của dân tộc.
Những dịp đám giỗ, lễ, Tết..., con cháu sum vầy, ôn lại truyền thống gia đình, nhắc nhớ về ông bà (Ảnh: Anh Tuấn)
Giữ nhịp cầu yêu thương
Thời đại công nghiệp, kinh tế - xã hội phát triển, kéo theo sự thay đổi về nhận thức, tư duy, cách nhìn nhận của người trẻ về giá trị, truyền thống gia đình, nhất là khi việc tôn trọng quyền tự do cá nhân ngày một được nâng cao.
Đặc biệt, người trẻ đa phần được lớn lên trong gia đình hạt nhân (chỉ có ba và mẹ), mối quan tâm lớn nhất của họ chỉ gói gọn trong mái ấm nhỏ của mình. Cùng với đó, phương tiện, công nghệ quá phát triển làm cho giới trẻ không còn mặn mà với việc ngồi nghe kể về lịch sử, truyền thống gia đình mình, chìm đắm trong mạng xã hội, thế giới ảo.
Trong khi đó, các bậc phụ huynh quá bận với cuộc mưu sinh và nhiều mối quan tâm khác khiến dần lãng quên câu chuyện cần phải giáo dục con trẻ lưu giữ, xây dựng nền nếp, truyền thống văn hóa của gia đình; hời hợt, dễ dãi, bỏ qua những quy định tạo nên nếp nhà trong việc nuôi dạy con.
Chưa kể, tình trạng bạo lực gia đình vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau, tỉ lệ ly hôn ngày một nhiều, lối sống thực dụng, coi trọng vật chất… Những mặt trái này đã và đang khiến cho đạo đức gia đình bị xuống cấp trầm trọng và làm cho nếp nhà bị lung lay.
Nhiều người cho rằng những quy củ, phép tắc là cổ hủ, nhất là ở thành phố lớn, cuộc sống công nghiệp, hiện đại thì khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, một gia đình mà con cháu tôn kính, hiếu thuận với người lớn; người lớn yêu thương, quan tâm dạy dỗ và tôn trọng giá trị của con trẻ thì xã hội sẽ có được những người biết ứng xử có chuẩn mực, văn hóa, nhân ái…
Vì thế, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của gia đình Việt Nam truyền thống kết hợp hài hòa với những giá trị văn hóa gia đình thời hiện đại sẽ góp phần tạo nên nền tảng xã hội tốt đẹp, hình thành nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt trong dòng chảy hội nhập.
Bình luận (0)