xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghĩ về nếp nhà thời đại mới (*): Tôn trọng khác biệt trong khuôn khổ

TUẤN ANH

Vun đắp gia đình lành mạnh theo nghĩa rộng nhất không chỉ như kim chỉ nam mà còn là mệnh lệnh hành động của mỗi người, mỗi nhà

Hai mươi bốn tuổi, Nguyễn Hoài Thương để tóc dài nhưng trang phục thường là áo cộc, trễ cổ và quần vô số lỗ thủng với những sợi kim tuyến loe ngoe.

Trải nghiệm sự thích nghi

Hoài Thương quê Ninh Bình, vào quận 12, TP HCM làm nhân viên văn phòng cho một công ty từ tháng 6-2022. Bên cạnh nhiều bộ đồ thời thượng, tủ quần áo của cô hiện diện gần 10 bộ may theo lối kín đáo. Lý do có chúng là vì một ký ức đáng quên hồi về quê thăm gia đình dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Thương kể khi vừa kéo vali vòng vèo qua 200 m đường làng mệt bở hơi tai về trước ngõ, chưa kịp mừng đã giật bắn người vì tiếng quát vang như sấm của "thầy" (bố - phương ngữ): "Đứa nào kia? Xéo ra khỏi nhà!". Ra là bố nhìn thấy bộ quần áo lạ mắt Thương đang mặc nên "ưu tiên" cho việc "mắng trước, mừng gặp con gái sau".

Nghĩ về nếp nhà thời đại mới (*): Tôn trọng khác biệt trong khuôn khổ - Ảnh 1.

Mẹ chồng, nàng dâu một gia đình truyền thống đang chuẩn bị những công việc quan trọng dịp Tết đến, xuân về. Ảnh: TUẤN NGỌC

"Dù ngay sau đó tôi lẳng lặng mượn tạm đồ của mẹ mặc nhưng cả kỳ nghỉ Tết, thái độ của thầy khiến tôi cảm thấy bị cho ra rìa. Thầy rất bực, mắng cả sang mẹ vì nghĩ mẹ dung túng với việc ăn chơi, không giữ nếp nhà của tôi" - Thương nói và cho hay "vẫn còn may" vì chưa kịp thể hiện ngôn ngữ hiện đại mới tiếp nhận.

Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, các thành viên tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, không phân biệt đối xử giữa các con... là yêu cầu, đồng thời cũng là nhu cầu của mỗi gia đình nói riêng, xã hội nói chung.

Giống như Thương, chị Phạm Thanh Vân từ Nam Định vào TP HCM lập nghiệp khi còn trẻ. Năm 2011 chị lấy chồng ở quận Phú Nhuận. Sống trong gia đình "tam đại đồng đường" với cha mẹ chồng, các anh chị em của chồng và con cái, chị quán xuyến nhiều việc. 

Đến năm 2021, nhờ dành dụm, vợ chồng cùng các con mua và chuyển tới căn hộ chung cư. "Từ khi sống cuộc sống của gia đình hạt nhân, tôi thấy mọi sự nhẹ nhõm. Các thành viên sinh hoạt dễ chịu, bảo ban nhau hiệu quả hơn nhưng nhiều lúc nghĩ lại thấy lưu luyến không khí nhiều thế hệ nói chuyện, bàn bạc những chuyện đại sự trong tình cảm đầm ấm trước đây" - chị Vân nói.

Ở chiều ngược lại, anh Vũ Việt Nhân chia sẻ cảm giác lạ khi có khoảng thời gian non nửa năm tình nguyện ra Bắc "ở rể". Nhà tại Đồng Nai, anh yêu và cưới vợ quê Phú Thọ. Ngày mới cưới, anh Nhân quyết định "theo nàng về dinh".

Bước chân vào nhà vợ buổi chiều, đến tối, tên tuổi chàng trai Đồng Nai đã lan khắp thôn. Hàng xóm láng giềng, anh em xa gần bên ngoại tới rất đông hỏi han. Trong đối xử, bố mẹ vợ xuề xòa với mọi người, nghiêm cẩn với con ruột nhưng đối đãi với anh rất trọng thị. Anh Nhân đem thắc mắc này hỏi người đầu gối tay ấp thì được dứ dứ ngón tay vào trán nựng: "Thế đã nghe câu "dâu con, rể khách" chưa? Ở đây, nhà nào cũng coi chàng rể như khách quý hết"…

Không để đứt gãy sự gắn kết

Anh Nhân, chị Thương, chị Vân là 3 trong các trường hợp có sự trải nghiệm về thiết chế gia đình khi thay đổi môi trường sống. Theo các chuyên gia xã hội học, tâm lý học, ở Việt Nam đan xen kiểu gia đình truyền thống (tam, tứ đại đồng đường - nhiều thế hệ sống chung một nhà) và gia đình hạt nhân chỉ gồm vợ chồng và con cái.

Gia đình truyền thống có lợi thế về trao truyền tri thức, chia sẻ và gìn giữ những khuôn phép, chuẩn mực từ đời này sang đời khác. Gia đình hạt nhân theo xu hướng lối sống hiện đại, phản ánh sự coi trọng những giá trị về trưởng thành, tự lập, tự do

Ngoài ra, bên cạnh đặc điểm chung nhất về sự đùm bọc, yêu thương, mỗi kiểu gia đình trên đều có những nét riêng không thể lẫn giữa địa phương này với địa phương khác, cộng đồng này với cộng đồng khác. 

Dù mỗi gia đình có những đặc điểm hay hoàn cảnh khác nhau thì đều tuân thủ những nguyên tắc cơ bản nhằm phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh hơn.

Các mâu thuẫn nhỏ dẫn tới hậu quả lớn, những vụ án xuất phát từ việc cha mẹ thiếu tôn trọng con cái, con cái coi thường cha mẹ, những lối hành xử gây phản cảm, bất bình xã hội… đều ít nhiều có nguyên nhân từ sự đứt gãy những mạch tương tác trong gia đình. Đặc biệt, cùng với tình trạng tội phạm có xu hướng trẻ hóa thì nguy cơ phát triển tâm lý thiếu toàn diện đang hiện hữu từ sự đứt gãy ấy.

Theo bà Hoàng Thị Hằng, giáo viên dạy trẻ tự kỷ, nhiều trẻ có biểu hiện của tâm lý bất thường, lầm lì hoặc phấn khích quá mức đến mức phải can thiệp bằng liệu pháp tâm lý. Qua nói chuyện, một số cha mẹ cho biết vì mải làm ăn, dành thời gian cho con trong ngày rất ít, từ đó không phát hiện hoặc chậm phát hiện những phát triển không như mong đợi của con.

"Do vậy, ngoài các yếu tố như di truyền, sốc tâm lý… thì việc trẻ thiếu sự quan tâm dẫn tới trầm cảm rồi có biểu hiện bệnh lý là lý do không thể không nhắc tới. Tôi cho rằng xây dựng, vun đắp một gia đình lành mạnh theo nghĩa rộng nhất không chỉ là kim chỉ nam mà còn là mệnh lệnh hành động thường xuyên của mỗi người, mỗi nhà" - bà Hằng nói.

Tôn vinh giá trị

Điều 3 khoản 4 Luật Hôn nhân và Gia đình định nghĩa tập quán về hôn nhân và gia đình là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng miền hoặc cộng đồng.

12-Box-Hoang-Thi-Hang

Theo bà Hoàng Thị Hằng, một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới trẻ có dấu hiệu tự kỷ là sự thiếu gắn kết trong gia đình

Cũng luật trên, ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà. Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau. Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, đồng thời có chính sách vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc.

Ngoài ra, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giáo dục, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các thành viên của mình và mọi công dân xây dựng gia đình văn hóa; kịp thời hòa giải mâu thuẫn trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-6

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo