Điển hình, bị cáo Lê Hồng Sơn, cựu Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, trình bày: "Doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho, nạn nhân của "văn hóa phong bì".
Có lẽ câu chuyện doanh nghiệp tìm mọi cách để "bôi trơn", đưa "phong bì" cho một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn để được quan tâm, ưu ái thụ lý, giải quyết hồ sơ, nhanh chóng cấp phép... không là chuyện mới, chuyện hiếm.
Có một điều chắc chắn là không doanh nghiệp nào muốn chi tiền để có thể trở thành tội phạm đưa hối lộ - nếu bị tố giác hoặc bị cơ quan chức năng phát hiện. Thế nhưng, khi môi trường hành chính vẫn tồn tại nhiều thủ tục, quy định chưa rõ ràng, công khai, minh bạch thì doanh nghiệp tận dụng "văn hóa phong bì" trong việc làm ăn của mình cũng là điều dễ hiểu.
Dù đã có những quy định cấm chuyện nhận "phong bì" trong cán bộ nhà nước nhưng câu chuyện "nhận quà, phong bì trên mức tình cảm" vẫn diễn ra trong mọi lĩnh vực, chỉ khác là tinh vi hơn. Suy nghĩ "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", "muốn được việc phải có phong bì" đã ăn sâu trong suy nghĩ lẫn hành động của nhiều doanh nghiệp và một bộ phận cán bộ, công chức.
Để dẹp bỏ tệ nạn "phong bì", nhất thiết phải xây dựng hàng rào pháp lý thật chặt chẽ; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính. Đối với các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, không dừng lại ở mức độ phê bình, cảnh cáo mà cần loại bỏ ra khỏi bộ máy công quyền. Nếu hành vi nhận "phong bì" với số tiền lớn, có dấu hiệu của tội "Nhận hối lộ", cần phải xử lý thật nghiêm minh để bên nhận "phong bì" và bên đưa "phong bì" đều không dám vi phạm.
Bình luận (0)