UBND TP HCM đã có kế hoạch xây cầu Phú Định (quận 8, nối liền các khu đô thị phía Nam và phía Tây TP HCM) thay cho bến phà Phú Định, kế hoạch xây cầu Bình Quới (nối TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh) thay cho bến phà Bình Quới cũng đã được thông qua. Người dân, doanh nghiệp mong chờ thời điểm sử dụng hình thức qua sông tiện lợi ấy tới càng sớm càng tốt.
Chậm, chen chúc, thiếu an toàn
Con đường vào bến phà Phú Định thuộc phường 16, quận 8 đã xuống cấp nhiều năm nay với nhiều vết lồi lõm. Dốc dẫn lên phà luôn ẩm ướt, trơn trượt gây nhiều khó khăn cho hành khách di chuyển. Dưới sông, nhiều biển báo xiêu vẹo, có biển đã ngã hẳn. Khói, mùi dầu nhớt từ động cơ phà luôn mang lại cảm giác ngột ngạt cho khách sang sông.
Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi chuyến phà cách nhau vài phút, tại bến đặt bảng quy định khá lớn "Mỗi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi an toàn". Tuy vậy, phần vì áo phao thiếu, phần vì sự nhắc nhở không nghiêm, phần nữa từ chính sự chủ quan "đi có vài phút thì mặc áo phao làm gì cho mất công" nên không mấy người thực hiện quy định ấy.
Khi phà cập bến, mọi người chen nhau phóng xuống hoặc chạy lên. Lối đi thì nhỏ hẹp nên cảnh dồn ứ, chật chội thường xuyên xảy ra. Một hành khách chở theo trẻ nhỏ đi chuyến phà chiều cho biết anh làm công nhân ở Khu Công nghiệp Tân Bình mà nhà ở đường Trịnh Quang Nghị, phải đi đường vòng rất xa và quận 8 lúc nào cũng kẹt xe. "Nên tôi phải chuyển hướng qua phà mà cảm thấy bất an vì phà nhỏ mà đông. Nếu có cây cầu thì tốt biết mấy, vì sẽ không còn cảnh nhếch nhác, thiếu an toàn. Mọi người di chuyển nhanh chóng, tiện lợi hơn" - anh này nói.
Một người dân chờ đợi tại bến phà Bình Quới
Trên chuyến đò ngang qua sông Nhà Bè
Còn nhiều nơi "sông sâu cách trở"
Tại bến đò Bình Quới nối quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức tình trạng cũng diễn ra tương tự. Chị Liên, một viên chức thường xuyên qua lại, cho biết Bình Quới là rìa của bán đảo Thanh Đa. Nếu đi làm bằng đường bộ, chị phải ngược lên cầu Kinh, chạy thêm một lần cầu Bình Triệu để sang đường Kha Vạn Cân với hành trình di chuyển dài và cực. Vì vậy, chị phải dùng phà dù rất không thoải mái. Theo chị Liên, nếu có cầu thay phà thì khu vực bán đảo sẽ kết nối mạnh mẽ với xung quanh và phát triển nhanh chóng, người dân cũng hưởng lợi rất nhiều từ "mạch máu" giao thông này.
Hay tại huyện Nhà Bè, sông Nhà Bè ngoài 2 bến phà Nhà Bè và Bình Khánh, chúng tôi còn thấy nhiều con đò với sức chứa 5, 6 chiếc xe máy cùng vài người. Những đò này chở khách sang bến Cần Giờ với tốc độ khá cao. Vì xe máy và người được xếp cùng 1 chỗ nên không gian bị thu hẹp, khách bất cẩn có thể té xuống bất cứ lúc nào.
Việc sớm có hình thức giao thông thuận tiện là mong ước thiết thực, chính đáng của bất cứ ai có nhu cầu về giao thông kết nối các bờ sông. Theo tìm hiểu, từ tháng 9-2021, Giám đốc Sở GTVT TP HCM đã ký văn bản gửi UBND thành phố về xây dựng các chính sách, kế hoạch huy động nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn giai đoạn 2021-2030. Theo đó, từ nay đến năm 2025, Sở GTVT sẽ xây dựng danh mục và đề xuất kêu gọi đầu tư cho 9 nhóm dự án giao thông của thành phố với tổng số vốn 675.000 tỉ đồng.
Cũng tại văn bản trên, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Bình Quới và cầu Bình Quới - Rạch Chiếc là 4 dự án lớn mà Sở GTVT TP HCM đề xuất thành phố ưu tiên xây dựng trong giai đoạn 2021-2026.
Người dân mong muốn những kế hoạch thay phà bằng cầu mà TP HCM sẽ hoặc đang làm sớm trở thành hiện thực trong thời gian sớm nhất.
Có cầu, tiện lợi mọi bề
Hồi năm 2005, tôi lần đầu vào TP HCM, thời điểm ấy, phà Thủ Thiêm vẫn ngày đêm cần mẫn đưa người qua lại 2 bên bờ sông Sài Gòn. Những lần có việc đi từ quận 2 (TP Thủ Đức bây giờ) sang quận 1, tôi cảm nhận không chỉ mình mình mà nhiều người thường có tâm trạng nôn nóng khi xếp hàng và cảm giác bồn chồn khi chờ phà cập bến. Sự bất tiện của hình thức giao thông cũng như việc mất khá nhiều thời gian di chuyển là điều ai cũng có thể nhận thấy nhưng buộc phải chấp nhận.
Khi cầu Thủ Thiêm và đường hầm chui qua sông Sài Gòn hình thành cũng là lúc tôi đi làm. Xe máy lướt băng băng trên mặt đường phẳng lỳ giúp quá trình đi về giữa nơi ở và nơi làm việc tiện lợi hơn rất nhiều, mối lo về an toàn sông nước cũng chấm dứt. Đấy là cá nhân, còn với doanh nghiệp, sự hưởng lợi của họ về di chuyển trong hợp tác làm ăn, vận tải hàng hóa, phát triển dịch vụ... lớn hơn rất nhiều, qua đó, họ đóng góp lại cho thành phố cũng sẽ không nhỏ.
TP HCM còn nhiều nơi tồn tại phà. Tôi biết thành phố từ lâu đã sớm biết bất cập này, vấn đề là nguồn lực và sự quyết tâm thúc đẩy việc thay phà bằng cầu đang nằm ở vị trí ưu tiên thứ mấy trong những kế hoạch hành động. Là một người dân, tôi hy vọng đó là ưu tiên hàng đầu. Bởi nó thể hiện sư hợp lý của một đô thị hiện đại, văn minh.
Dương Phương
Bình luận (0)