Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, trong các dự án giao thông trọng điểm đang gặp khó bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đáng kể nhất là dự án cầu Thủ Thiêm 2 (quận 1), cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới, dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7)...
Nơi cầm chừng, chỗ tạm dừng
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 là dự án được trông chờ từ lâu với mong muốn tạo thêm đà phát triển cho khu đô thị mới nói riêng, TP Thủ Đức nói chung. Giữa tháng 7 vừa qua, tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình, đại diện Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (nhà đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2), cho hay tính từ thời điểm khởi công công trình đến nay, khối lượng thi công ước đạt khoảng hơn 70%.
Theo đó, phần cầu chính đã hoàn thành lắp đặt 13/17 đốt dầm thép nhịp S2 đến S1, căng 44/56 bó cáp dây văng, hoàn thành 30/34 đốt trụ tháp. Thời điểm này, nhà đầu tư khẳng định dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 nhưng các đơn vị liên quan luôn gắng bố trí nguồn lực, thi công liên tục 3 ca, tổ chức cho 120 kỹ sư, công nhân làm việc, ở lại công trình. Phấn đấu dịp lễ 2-9 năm nay sẽ hợp long nhịp chính và trụ tháp, nối liền quận 1 với TP Thủ Đức, tiến đến quý II/2022 hoàn thành cơ bản công trình, tổ chức thông xe phần cầu chính.
Cầu Thủ Thiêm 2 đang thi công cầm chừng do gặp khó ở khâu vật tư. Ảnh: THU HỒNG
"Tuy cố gắng duy trì thi công "3 tại chỗ" nhưng đến nay lại nảy sinh việc tiếp nhận vật tư, đặc biệt là bê-tông trộn gặp nhiều khó khăn do các nhà máy tạm dừng hoạt động. Vì vậy, việc thi công chỉ diễn ra cầm chừng" - ông Phan Công Bằng thông tin.
Ở cửa ngõ phía Đông, dự án xây dựng hầm chui trước Bến xe Miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội khởi công từ tháng 3-2020 đến nay cũng tạm dừng thi công vì gặp khó trong việc tiếp nhận vật tư. Ở phía Nam thành phố, đại diện Ban Quản lý dự án Xây dựng các công trình giao thông TP HCM (Ban Giao thông) cho biết do khó khăn ở khâu tiếp nhận vật tư nên dự án xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) tạm dừng thi công từ 2 tuần trước dù đã cố gắng hết sức để duy trì tiến độ.
Trong khi đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT), chủ đầu tư dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, thông tin dự án này là 1 trong 2 dự án trọng điểm quốc gia đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Được khởi công xây dựng từ tháng 9-2020, đến nay, sau gần 1 năm xây dựng, những km đầu tiên của tuyến cao tốc này đã được thi công cấp phối đá dăm để chuẩn bị thảm nhựa bê-tông lớp đầu tiên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù được đánh giá là vẫn bảo đảm tiến độ đề ra nhưng thực tế dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ chung do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, đặc biệt là nguồn đất phục vụ san lấp nền vẫn chưa được giải quyết. "Phần lớn khối lượng đất đắp nền đường phục vụ cho dự án đến thời điểm này là nguồn đất tận dụng, điều phối khi thi công trên tuyến. Tuy nhiên, nguồn đất tận dụng này hiện đã cạn kiệt. Không đắp được nền đường thì các hạng mục sau cũng bị ngưng trệ theo" - Ban Quản lý dự án Thăng Long thông tin.
Ở khu vực miền Tây, những ngày này, nhiều chủ đầu tư, nhà đầu tư các dự án giao thông trọng điểm cũng đang sốt ruột vì thiếu vật tư để thi công. Trong đó, dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hiện phải thi công cầm chừng.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (cơ quan thay Bộ GTVT quản lý dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ), hiện việc vận chuyển vật tư, thiết bị, nhân sự thi công đường cao tốc nói trên gặp nhiều khó khăn khi một số tỉnh, thành phía Nam siết chặt đi lại để phòng chống dịch, tạm ngưng xe, sà lan vận chuyển qua địa bàn đến công trình do không thuộc danh mục chở hàng thiết yếu. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ dự án ở giai đoạn đang tập trung thi công. "Nhiều loại vật liệu, thiết bị cần vận chuyển liên tục để phục vụ các hạng mục quan trọng trên công trường như cát đắp nền đưa bằng đường sông từ các mỏ, nguồn tại Đồng Tháp, An Giang; thiết bị, vật liệu sản xuất từ các nhà máy ở An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long; thiết bị thi công vận chuyển từ TP HCM, Cần Thơ... đang đình trệ" - đại diện chủ đầu tư cho biết.
Trước thực tế trên, để bảo đảm tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã có văn bản kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT xem xét có ý kiến với các địa phương hỗ trợ tạo "tuyến hành lang ưu tiên" cho các đơn vị vận chuyển cát từ các mỏ, nguồn về công trường. Có thể cấp giấy luồng xanh, tạo điều kiện ưu tiên kiểm tra trước cho các phương tiện, nhân sự đủ điều kiện phòng chống dịch bệnh khi vận chuyển qua các trạm, chốt kiểm tra y tế. Tương tự, các đơn vị thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng mong muốn có "tuyến hành lang ưu tiên" để dự án được đẩy nhanh theo tiến độ đề ra.
Với dự án cầu Thủ Thiêm 2, ông Phan Công Bằng cho hay thành phố đang làm mọi cách để hỗ trợ cũng như duy trì tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm nhưng phải thừa nhận là khó bảo đảm về đích đúng tiến độ. Theo đó, khả năng việc hợp long nhịp chính và trụ tháp nối 2 bờ quận 1 và TP Thủ Đức có thể sẽ không như dự kiến. Nếu tình hình dịch bệnh tại TP HCM sớm được kiểm soát, nhà đầu tư và nhà thầu cố gắng đẩy nhanh tiến độ, tăng ca để đưa dự án vào vận hành trong năm 2022. Tương tự, nhánh hầm chui hướng từ Khu Chế xuất Tân Thuận về huyện Bình Chánh dự kiến hoàn thành quý II đến quý III/2022 thay vì dự kiến cuối năm 2021.
Tuy nhiên, theo ông Phan Công Bằng, trong thời gian thi công cầm chừng, tạm dừng thi công, Sở GTVT TP cũng như nhà đầu tư các dự án mong các địa phương tranh thủ thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng tại một số dự án trọng điểm để khi dịch bệnh được kiểm soát, mặt bằng được bàn giao, nhà đầu tư sẽ tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, chia nhiều ca, nhiều kíp để đưa các dự án về đích sớm nhất có thể. Tương tự, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng mong các địa phương liên quan sớm khắc phục tình trạng mặt bằng bàn giao theo kiểu "da beo" khiến nhà thầu chưa thể triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến.
Bình luận (0)