Trung tâm Giáo dục nghề nghiệ - Giáo dục thường xuyên Quận 1 phối hợp với Trung tâm Đào tạo Tài năng trẻ châu Á Thái Bình Dương (ATY) tổ chức hội thảo chuyên đề "Cai nghiện game bạo lực và sử dụng internet có ích" vào chiều 24-3.
Tại cuộc hội thảo, nhiều số liệu khảo sát thanh thiếu niên chơi game tại TP HCM được ATY đưa ra khiến nhiều người giật mình. Theo khảo sát có hơn 72% học sinh đang chơi game. Trong số đó, đa số các em bắt đầu chơi game từ cấp 1 đến lớp 6 chiếm 74,9% , phổ biến nhất là chơi trên điện thoại di động.
Phụ huynh bày tỏ lo lắng tình trạng chơi game của con trong cuộc hội thảo
Ông Đoàn Văn Báu, Giảng viên Trường Đại học Cảnh Sát Nhân dân TP HCM, chia sẻ những câu chuyện thương tâm từ việc nghiện game. Rất nhiều vụ án liên quan đến nghiện game bạo lực ở trẻ, đặc biệt nghiện game online khó chữa hơn cả ma túy. Vì một người nghiện ma túy cần 20 ngày để cắt cơn nghiện, còn để cai nghiện cho trẻ em thì khó hơn rất nhiều.
Bà Đỗ Thị Thanh Mai (37 tuổi) bày tỏ lo lắng: "Nhà tôi có 2 bé, bé lớn học lớp 8 nghiện ban nhạc Hàn Quốc và hay xem trên Youtube. Vào những ngày nghỉ bé xem rất nhiều, hay cáu gắt và không để ý mọi thứ xung quanh. Tôi lo lắng định hè đăng ký cho bé tham gia học kỳ quân đội nhưng bé nhất quyết không đi vì không được sử dụng điện thoại di động. Còn bé lớp 3, hồi trước chơi liên quân cứ nghe bé nói chuyện một mình, như nói chuyện với người vô hình. Còn bây giờ bé chuyển sang chơi những trò chơi sáng tạo như xây nhà và luôn miệng bảo thích giáo sư Chuối, hình như là bình luận viên trên game làm tôi không thể nào hiểu được."
Tại hội thảo, một số phụ huynh khác cũng rất quan ngại về tình hình của con mình. Một số phụ huynh chia sẻ bị đuối lý khi con muốn trở thành game thủ chuyên nghiệp. Một số khác, khi con chơi game nhiều có biểu hiện co giật mắt, miệng phải đưa đến bác sĩ nhưng bé lại cáu gắt, có hành động chống đối không chịu đi, làm họ vô cùng bất lực.
Đứng trước lo lắng của phụ huynh, các chuyên gia cho rằng vai trò của gia đình trong việc ngăn chặn tình trạng nghiện game của các em là rất quan trọng. Nên tăng cường tạo môi trường chủ động, sân chơi lành mạnh, thể thao, nghệ thuật cho trẻ, biến tivi, sách vở, thậm chí cả game thành sân chơi học tập thú vị.
Ông Lương Dũng Nhân, Thạc sĩ - Giám đốc đào tạo Chuyên gia về đào tạo - phát triển toàn diện, nhấn mạnh hãy làm bạn, cho con tình thương và quan tâm nhiều hơn tới con. Nghiện game sẽ không xảy ra khi trẻ nghiện chính gia đình, nghiện sự yêu thương mà ba mẹ dành cho chúng.
Bình luận (0)