Nhiều ngày nay, thầy cô giáo, cựu học sinh (HS) Trường THPT Đức Linh (thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) và người dân địa phương lo lắng trước thông tin ngôi trường sẽ bị dỡ bỏ để bán mặt bằng cho một doanh nghiệp (DN).
Chuẩn bị 40 năm thành lập, nghe tin dữ
Ngày 2-12, chúng tôi tìm đến Trường THPT Đức Linh. Tiền thân của ngôi trường 40 tuổi này là Trường Trung học Vừa học Vừa làm của 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận). Đến năm 1985, trường tách thành trường công lập và lấy tên là Trường THPT Đức Linh. Năm 2015, Trường THPT Đức Linh đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, Trường THPT Đức Linh có gần 1.200 HS chia đều các khối từ lớp 10 đến lớp 12. Tổng diện tích trường rộng hơn 6 ha. Trong đó, gần một nửa là khuôn viên trường học và sinh hoạt thể dục thể thao. Hơn nửa diện tích còn lại được nhà trường dùng trồng cây nông nghiệp để tăng gia sản xuất.
Theo đơn phản ánh của người dân, huyện Đức Linh đang bàn kế hoạch bàn giao mặt bằng trường cho một DN kinh doanh, dồn HS về cơ sở nhỏ hơn, không có sân chơi. Trước thông tin này, giáo viên, cựu HS và người dân địa phương đã kịch liệt phản đối, gửi nhiều tâm thư lên các cấp chính quyền.
Một giáo viên dạy lâu năm ở trường cho biết ngôi trường này gắn bó với nhiều thế hệ, đã đào tạo ra nhiều nhân tài phục vụ đất nước. 40 năm hoạt động, giá trị tinh thần vô cùng lớn, vậy mà khi các thầy cô và cựu HS của trường đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm hình thành và phát triển trường thì nhận được tin sắp dỡ bỏ.
Theo các giáo viên, một môi trường sư phạm cần thoáng đãng, rợp mát bóng cây và Trường THPT Đức Linh hội đủ các điều kiện đó. Ngoài khu vực chính lúc nào cũng xanh mát bóng cây, phía sau có khu đất thuận tiện cho các hoạt động thể thao, ngoại khóa cũng như tổ chức liên hoan cắm trại cho HS vào các dịp lễ lớn trong năm học.
Mới chỉ là chủ trương
Được biết, trong năm 2016, UBND huyện Đức Linh có văn bản thu hồi diện tích khoảng 4 ha đất tăng gia sản xuất của nhà trường giao cho DN tư nhân thuộc Công ty May Nhà Bè (TP HCM) thi công xây dựng xưởng may. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đưa vào hoạt động năm 2017 với 2.000 công nhân. Dự tính sẽ lấy hết phần diện tích của trường còn lại để thực hiện giai đoạn 2 với 4.000 công nhân.
“Vì sao huyện Đức Linh không chọn những vị trí khác xa khu dân cư hơn? Tôi và cả con tôi đều học ở ngôi trường này. Làm vậy đau lòng lắm” - một người dân sống gần trường cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Húy, Chủ tịch UBND huyện Đức Linh, cho biết năm 2011, Trường THPT Đức Linh sáp nhập với Trường Bán công Chu Văn An ở cơ sở mới cách vị trí trường cũ khoảng 30 m và tiến hành chuyển toàn bộ cơ sở vật chất về đây để dạy và học. Tổng cộng diện tích 2 điểm trường là 6,2 ha.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, với quy định trường đạt chuẩn quốc gia thì diện tích này đã dư hơn 1 ha. Trong số các phòng học, có 8 phòng được đầu tư xây dựng năm 1985 nay đã xuống cấp. Khi Công ty May Nhà Bè triển khai dự án giai đoạn 2 mở rộng sản xuất nên chủ trương của huyện đề xuất thu hồi thêm 2 ha để giao cho công ty thì gặp phải sự phản đối.
“Đó mới chỉ là chủ trương của huyện Đức Linh chứ hiện diện tích đất thuộc khuôn viên Trường THPT Đức Linh được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận quản lý, việc xin phép và thực hiện là rất lâu bởi còn chờ nhiều đoàn thanh tra từ tỉnh về chứ huyện làm sao quyết định được” - ông Húy nói.
Ngôi trường như một chứng nhân lịch sử, đã chứng kiến bao thăng trầm nhưng đầy tự hào của tập thể nhà trường, không dễ gì gột bỏ trong tâm trí mỗi giáo viên, học sinh nơi đây” - một giáo viên nói.
Bình luận (0)