Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt vào tháng 4-2004 với tổng mức đầu tư 60,7 tỉ đồng. Vị trí dự án thực hiện ở hạ lưu sông Trà Khúc, cách cầu Trà Khúc 2 khoảng 1 km.
Liên tục điều chỉnh dự án và vốn đầu tư
Mục tiêu của dự án là giữ nước, tạo mức nước dâng trên sông Trà Khúc (đoạn qua TP Quảng Ngãi) nhằm tạo cảnh quan phục vụ du lịch, giải trí và ngăn xâm nhập mặn... Lúc đầu, khi dự án được phê duyệt, thân đập được làm bằng cao su đến năm 2009, dự án được điều chỉnh, bổ sung quy mô thân đập bằng bê-tông (tổng chiều dài thân đập 1.184 m), tổng vốn đầu tư hơn 225 tỉ đồng.
Ngày 25-9-2010, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ khởi công dự án, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2012. Tuy nhiên, đầu năm 2011, UBND tỉnh Quảng Ngãi lại có thông báo cho phép nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung công trình, nâng cấp từ công trình cấp 5 lên cấp 4. Sở NN-PTNT thuê tư vấn lập lại thiết kế, điều chỉnh, tổng kinh phí đầu tư công trình lên 417 tỉ đồng.
Đến tháng 4-2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành kết luận thống nhất chủ trương triển khai dự án. Kết luận cũng lưu ý tiếp tục điều tra, khảo sát tại thực địa để công trình bảo đảm kỹ thuật, thẩm mỹ, độ an toàn, dự án có sự tăng vốn nên chủ đầu tư làm hồ sơ trình HĐND tỉnh xem xét. Đồng thời, việc đầu tư công trình theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) thời điểm đó thiếu khả thi... Kể từ đó, công trình rơi vào ngõ cụt.
Người dân thôn Ân Phú lo ngại việc xây dựng đập dâng sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ
Sẽ thực hiện dự án trong năm 2018
Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Quảng Ngãi, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, cho biết kể từ khi được phê duyệt triển khai, công trình đã giải ngân hơn 9,4 tỉ đồng gồm các khoản tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, thuê tư vấn thiết kế... Ông Tô nói nếu chưa thể tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng dự án, đề nghị UBND tỉnh cho phép kết thúc dự án...
Tháng 6-2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn gửi Bộ Tài chính tái khởi động lại dự án; đề xuất sẽ sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn thừa để thực hiện. Cụ thể, sau khi rà soát nguồn cải cách tiền lương đến cuối năm 2016 còn lại chưa sử dụng chuyển sang năm 2017 là 350 tỉ đồng, cộng với tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên năm 2017. Cân đối nguồn cải cách tiền lương năm 2017, Quảng Ngãi vẫn còn thừa chuyển sang năm 2018 khoảng 291 tỉ đồng.
Cũng theo đề xuất này, công trình có tổng vốn đầu tư 787 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017-2021. Đối với phần kinh phí còn thiếu của dự án, UBND tỉnh sẽ bố trí từ nguồn vượt thu ngân sách của tỉnh năm 2017, 2018 (nếu có) và nguồn vốn khác để thực hiện.
"Ngày 25-9, Văn phòng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo việc sử dụng tăng thu ngân sách địa phương năm 2015 để thực hiện cải cách tiền lương sang đầu tư công trình cấp bách của Quảng Ngãi. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng có kết luận bổ sung dự án vào danh mục thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020 (nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương). UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án, trình UBND tỉnh xem xét quyết định đầu tư chậm nhất trước ngày 31-10, bảo đảm điều kiện thực hiện dự án trong năm 2018" - ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết.
Người dân lo lắng
Trước thông tin UBND tỉnh Quảng Ngãi tái khởi động dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, người dân nằm trong vùng dự án tỏ ra lo lắng về khả năng thoát lũ. Ông Phạm Tuấn (thôn Ân Phú, xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi, nơi dự kiến xây dựng thân đập) cho biết toàn thôn hiện có gần 400 hộ với hàng ngàn nhân khẩu sinh sống, quanh năm bị cô lập do nước sông Trà Khúc dâng cao.
"Bây giờ nhà nước xây đập, việc đi lại sẽ càng khó khăn hơn, mỗi năm ở đây phải đón 3-4 trận lũ. Có năm lũ lớn mấp mé thành cầu Trà Khúc 1, nhà cửa đều ngập sâu. Nếu làm đập, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thoát lũ. Con đập dài hơn 1,1 km, cao hơn 3 m sẽ là vật cản đối với việc thoát lũ tự nhiên. Nước lũ bị cản chỗ này, sẽ tạo dòng chảy mạnh chỗ khác. Lúc đó liệu cả hòn đảo Ngọc (thôn Ân Phú) có giữ được trước sức nước không, tính mạng người dân sẽ ra sao khi đập gặp sự cố ?" - ông Tuấn nói.
Bình luận (0)