Thế rồi, với sự động viên của những người đi trước, bà đã sớm làm quen, cùng mọi người biến bỡ ngỡ thành đam mê và dốc lòng cống hiến.
Theo BS Mai, bà rất tâm đắc tư tưởng của người "đặt viên gạch đầu tiên" cho hoạt động công tác xã hội tại BV này. Đó là Thầy thuốc Nhân dân - BS Trần Tấn Trâm - nguyên Giám đốc BV Nhi Đồng 1. Bà nhớ thầy Trâm từng có những bài viết bày tỏ trăn trở về những phận đời kém may mắn, gia đình phải cật lực vay mượn để chữa bệnh cho con, để rồi mắc thêm cái nghèo vì nợ nần chồng chất. Đồng cảm với trăn trở của thầy, bà cũng mong được chung tay chắp cánh yêu thương cho những phận đời kém may mắn, cùng thân nhân của họ.
Bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai hướng dẫn thân nhân bệnh nhi làm thủ tục nhận hỗ trợ
Bà khoe tuy khó khăn nhưng lần nào cũng vận động được nhà hảo tâm giúp đỡ cho các trường hợp người bệnh phải tìm đến cậy nhờ sự giúp đỡ của đơn vị. Hôm chúng tôi đến, bà đang tiếp một người đàn ông. Người này làm nghề nhặt ve chai nhưng là trụ cột của gia đình có 5 đứa con. Nay con bệnh quá nặng, nhà hết tiền nên cực chẳng đã ông mới đến đây nhờ quyên góp.
"Có lần tôi quyên góp được hơn 300 triệu đồng cho một bệnh nhi người Campuchia bị phỏng. Nhưng đáng nhớ nhất là trường hợp bé Bùi Văn Giác ở tận Cà Mau, mắc bệnh tan máu bẩm sinh nhưng khi bé hơn 10 tháng tuổi gia đình mới phát hiện. Suốt 10 năm, mỗi tháng mẹ con Giác lại dắt díu nhau về TP HCM chữa bệnh. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào khoản thu nhập từ việc sửa chữa điện tử của người chồng khuyết tật. Thương bé nên ngoài kêu gọi hỗ trợ viện phí, tôi còn về tận Cà Mau xác minh hoàn cảnh để vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ xây dựng một mái nhà cho gia đình này có nơi che mưa che nắng. Nhờ những chuyến đi như vậy, tôi càng hiểu thêm hoàn cảnh của các bệnh nhi kém may mắn ở các tỉnh xa" - BS Mai bộc bạch.
Không chỉ làm chiếc cầu nhân ái kết nối những mảnh đời kém may mắn với những tấm lòng vàng trong xã hội, công việc hằng ngày của đơn vị trợ giúp xã hội do BS Mai phụ trách còn trực tiếp tư vấn cho bệnh nhi và thân nhân về quyền, lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ của họ; về các chương trình, chính sách xã hội, BHYT khi tham gia khám chữa bệnh. Họ còn dành nhiều thời gian để chia sẻ với bệnh nhân và thân nhân người bệnh.
Cùng suy nghĩ như BS Mai là những thành viên khác ở đây như điều dưỡng Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thị Ngọc Cầm. "Mong giúp phần nào cho các bậc phụ huynh yên tâm chữa bệnh cho con nhằm đạt kết quả điều trị tốt nhất. Chỉ cần thấy bệnh nhân hết bệnh, xuất viện là mình vui lây" - chị Phương chia sẻ. Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Cầm - người đã có hơn 50 năm cống hiến cho ngành y - nói vui nhất là khi mình giúp đúng người, đúng hoàn cảnh. Muốn thế, ngoài trái tim nhân ái thì cần có nhiều kỹ năng bổ trợ.
Ngày 10-2-2018, Bộ Y tế đã tặng bằng khen cho đơn vị trợ giúp xã hội thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - nơi có những người thầm lặng nỗ lực cống hiến từng ngày, đóng góp trong xây dựng và thực hiện Đề án Phát triển công tác xã hội trong ngành y tế.
Bình luận (0)