Ngày 2-11, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) đã tổ chức hội thảo Luật Chuyển đổi giới tính vì người chuyển giới tại TP HCM.
Nỗi đau thể xác, tinh thần
Trải lòng tại buổi hội thảo về những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần từng trải qua, T.L.Y.M (21 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng, tình nguyện viên của SCDI) chia sẻ: "Ngay từ lúc mẫu giáo, khi chơi cùng các bạn nữ, tôi đã cảm nhận được sự khác biệt giữa họ và tôi. Chúng tôi giống nhau về mặt hình thể nhưng bản thân tôi lại thấy hoàn toàn khác với các bạn. Tôi mạnh mẽ như con trai... Do vậy, tôi cứ loay hoay mãi, trong đầu luôn có những câu hỏi như: Tôi là ai, tại sao tôi lại không được bình thường như bao bạn nữ khác…? Tôi từng sống trong đau khổ, bức bối mà không tìm ra được lối thoát khi bên cạnh không một ai thấu hiểu, chia sẻ…".
Trao đổi giữa những người chuyển giới với đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Y tế và Tổ chức SCDI tại hội thảo
Năm 19 tuổi, M. quyết định thay đổi ngoại hình, danh xưng để trở về với con người thật. Trong quá trình đó, M. luôn gặp nhiều trở ngại từ công việc, học tập, thậm chí đi khám bệnh cũng bị sự ghẻ lạnh từ các cơ sở y tế.
Đ.T.H (25 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cho rằng cuộc sống trước hay sau chuyển giới đều gặp nhiều khó khăn bởi sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội. H. cho biết chấp nhận đau đớn thể xác khi phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để được là chính mình không khó khăn bằng khi chứng kiến nỗi đau khổ, thất vọng của cha mẹ. "Ba mẹ mong muốn tôi như bao người đàn ông khác, có vợ sinh con nên khi phát hiện sự thật, có lúc mẹ đã không muốn gặp mặt tôi. Nhưng cuối cùng, tình yêu thương con lớn hơn, mẹ đành chấp nhận và luôn bên cạnh động viên, chia sẻ mỗi khi tôi gặp chuyện buồn hay thất bại" - H. tâm sự. Hiện tại, H. đang làm người mẫu tự do và rất mong muốn Luật Chuyển đổi giới tính được thông qua để được xã hội công nhận và trở về là chính mình.
Còn nhiều băn khoăn về dự thảo
Theo thống kê, tại Việt Nam ước tính có khoảng 300.000- 500.000 người chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt họ trở thành nhóm dễ bị tổn thương.
Tại hội thảo, đại diện SCDI cho biết một nghiên cứu về chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP HCM mới đây cho thấy 45% người chuyển giới bị từ chối việc làm; 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm; 23% cho biết đã bị buộc phải quan hệ tình dục và 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra, 83% người được hỏi chia sẻ từng bị chế giễu vì là người chuyển giới. Tuy nhiên, con số kể trên chưa phản ánh đầy đủ bức tranh cộng đồng chuyển giới ở Việt Nam do chưa đề cập đến cộng đồng người chuyển giới nam, những người chuyển giới chưa lộ diện và chưa đến độ tuổi thành niên.
Cũng theo đại diện SCDI, các dịch vụ y tế, pháp lý và xã hội… cho người chuyển giới hầu như không có. Người chuyển giới tự điều trị nội tiết tố (hormone) mua ở "chợ đen". Một số rất ít có điều kiện ra nước ngoài hoặc tìm đến cơ sở không hợp pháp ở Việt Nam để thực hiện chuyển đổi giới tính. Trong đó, không ít người đã tử vong hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị nội tiết tố hay tự tiêm silicone.
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã mở ra cơ hội cho những người chuyển giới. Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017) cũng đã công nhận việc chuyển đổi giới tính. Hiện dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được soạn thảo để đưa vào ban hành trong năm 2019 hoặc 2020.
Tuy nhiên, thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính có một số điểm quan trọng chưa nhận được sự đồng thuận của người chuyển giới. Cụ thể, tại điểm 5 điều 2 dự thảo quy định: "Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc trong toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh dục đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh hoặc hoàn thiện". Như vậy, các cá nhân muốn được thừa nhận là người chuyển giới bắt buộc phải điều trị nội tiết tố sinh dục, phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục. Điều này khiến một bộ phận người chuyển giới ở Việt Nam có nguy cơ không được hưởng lợi từ dự thảo vì không phải ai cũng có đủ điều kiện để chi trả hoặc một số người không đáp ứng với hormone... Nên chăng có thể thay đổi điểm này, không bắt buộc can thiệp y học sẽ tiến bộ và nhân văn hơn.
Hoặc quy định đối tượng chuyển giới phải là người độc thân vì liên quan đến quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình (chỉ cho phép kết hôn giữa nam với nữ, không thừa nhận kết hôn đồng giới). Vì vậy, một cặp vợ chồng đang trong thời gian hôn nhân hạnh phúc mà 1 trong 2 người muốn chuyển giới thì buộc phải ly hôn.
"Khi có hành lang pháp lý, những người chuyển giới mới có cơ hội sống bình đẳng, có quyền kết hôn, quyền được hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận. Vì thế, việc sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính là rất cần thiết" - bà Thủy nói.
3 cơ sở y tế xác định lại giới tính
Hiện cả nước có 3 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế cho phép thực hiện xác định lại giới tính, gồm: Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, BV Hữu Nghị Việt Đức và BV Nhi Đồng 2 TP HCM. Trong quá trình thực hiện xác định lại giới tính, các BV này thực hiện điều trị nội tiết và phẫu thuật ngực từ nam sang nữ, từ nữ sang nam, phẫu thuật bộ phận sinh dục...
Bình luận (0)