Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh sự việc một người phụ nữ ngang nhiên ngăn cản xe cứu hỏa, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nên xử lý "mạnh tay" đối với hành vi trên nhằm răn đe, nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng.
Chiếu theo quy định pháp luật hiện hành, những người có hành động cố tình cản trở phương tiện ưu tiên có thể chịu trách nhiệm hình sự.
Dù lực lượng chức năng cam kết có trách nhiệm khắc phục sự cố đứt dây điện nhưng người phụ nữ vẫn không tin
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP HCM, phân tích Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật liên quan quy định rõ người và phương tiện tham gia giao thông phải nhường đường cho xe ưu tiên. Người vi phạm có thể chịu mức xử lý tương ứng với tính chất, mức độ, hành vi, hậu quả hành vi sai phạm gây ra.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), người có hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe có quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ phải nộp phạt từ 2-3 triệu đồng. "Nếu hành vi không nhường đường hoặc cản trở nêu trên gây hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại về tài sản lớn, chết người) thì tùy tính chất, mức độ, hậu quả sai phạm mà người phạm luật có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội "Chống người thi hành công vụ" (Điều 330, Bộ Luật hình sự 2015)" – luật sư nhấn mạnh.
Tương tự, luật sư Nguyễn Minh Trang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ là xe ưu tiên hàng đầu trong danh sách những phương tiện có quyền ưu tiên trong Luật Giao thông đường bộ. Xe ưu tiên (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Như vậy, nếu xe cứu hỏa trong clip ghi lại sự việc kể trên có phát tín hiệu và đang trên đường đi làm nhiệm vụ thì cơ quan chức năng hoàn toàn có căn cứ xử lý người phụ nữ cản trở xe cứu hỏa. Luật sư cho rằng: "Pháp luật sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với người cản trở xe ưu tiên, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, như: gây ra thiệt hại về người, tài sản".
Điều 260, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Vi phạm các quy định về tham gia giao thông", như sau:
Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một 1 hoặc phạt tù từ 3 tháng-1năm.
Diễn biến vụ việc
Ngày 5-4, trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TP HCM), một người phụ nữ to tiếng, ngăn cản một xe cứu hỏa đang trên đường đi làm nhiệm vụ vì cho rằng xe cứu hỏa làm đứt dây điện trước nhà nên người phụ nữ ngăn cản xe ưu tiên và đòi bồi thường. Dù cán bộ PCCC-CNCH trên phương tiện có giải thích, cam kết có trách nhiệm nhanh chóng thông báo cơ quan điện lực gần nhất đến giải quyết sự cố nhưng người phụ nữ này vẫn không chấp nhận.
Theo thông tin PV tìm hiểu, do dây điện thấp nên phương tiện do cảnh sát PCCC điều khiển có vướng vào, làm đứt dây điện trong quá trình di chuyển. Sau khi thuyết phục không thành, nhóm cảnh sát đang làm nhiệm vụ phải để lại một chiến sĩ "làm tin" và gọi cảnh sát khu vực đến cùng giải thích, yêu cầu người dân chấm dứt ngay hành động ngăn cản xe ưu tiên.
Đây là phương tiện chở trang thiết bị của Đội Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 4 - Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TP HCM.
Bình luận (0)