"Sài Gòn lúc nào cũng xô bồ, đông đúc, nhiều tệ nạn; con người thờ ơ, mạnh ai nấy sống…". Đó là suy nghĩ của tôi trước khi đặt chân đến mảnh đất này, cách đây gần 20 năm.
Ngày lên tàu lửa vào TP HCM để đi học, trong lúc tôi còn bỡ ngỡ, lo lắng, một thanh niên chừng 27-28 tuổi nói giọng Sài Gòn đã bắt chuyện làm quen. Về đến ga Sài Gòn, anh gọi xe ôm cho tôi, hỏi giá cả, dặn dò từng chút một. Hai ngày sau, anh ghé nơi tôi trọ học để xem tôi có cần giúp đỡ gì không. Sự quan tâm của anh khiến tôi không còn cảm giác lạc lõng, sợ sệt khi phải sống một mình ở nơi xa lạ.
Áo mưa miễn phí trên chuyến xe buýt 86 do tài xế Lê Xuân Huy "tài trợ" (ảnh: Gia Minh)
Một lần khác, trên đường đi học về, trời mưa lớn mà chiếc xe máy lại hết xăng. Vừa đói, mệt, vừa ướt lướt thướt, tôi ráng đẩy bộ để tìm cây xăng. Bỗng một giọng nói Sài Gòn từ trong căn nhà ven đường vọng ra: "Ngồi lên xe đi, tôi đẩy phụ đi đến cây xăng". Bất chấp trời mưa lớn cũng không cần mặc áo mưa, một người đàn ông trung niên lao ra, giục tôi ngồi lên xe. Người ông ướt đẫm mưa nhưng miệng vẫn cười nói. Nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của một người xa lạ khiến tôi cảm nhận được sự ấm áp, mệt mỏi tiêu tan, quãng đường cũng như ngắn lại. Người Sài Gòn đâu có thờ ơ!
Căn nhà của anh Lưu Văn Hữu ( khu đô thị Vạn Phúc, quận Thủ Đức) trở thành nơi ở miễn phí cho bệnh nhân và thân nhân ở các tỉnh vào TP HCM khám bệnh (ảnh: Lê Phong)
Năm tháng học rồi đi làm ở TP này, tôi còn nhận được nhiều sự giúp đỡ của người dân nơi đây. Không ít lần lạc đường, tôi được những người đi ngang hướng dẫn tận tình, thậm chí họ còn chạy xe theo cho đến khi tôi đi đúng con đường cần đến. Những người hàng xóm của tôi vài ba hôm lại nấu đồ ăn đem sang, trò chuyện năm ba câu, hỏi thăm gia đình, rồi về...Người Sài Gòn đâu có thờ ơ!
Có người nói: "Sài Gòn hoa lệ con ơi. Hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo". Không sai nhưng chưa đủ. Giữa chốn phồn hoa đô thị này, không khó để thấy những "dịch vụ miễn phí" như: "Trà đá miễn phí", "Bánh mì miễn phí", "Bơm, vá xe miễn phí cho người khuyết tật", "Cắt tóc miễn phí", "Cơm tình thương 2000 đồng", tủ quần áo "ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy"… không phân biệt kẻ cho, người nhận. Những điều nho nhỏ đó đã làm ấm lòng những người con tha phương, để rồi yêu, gắn bó lúc nào không hay; để rồi vấn vương, lưu luyến mãi khi phải rời xa.
Bình luận (0)