Đọc bài viết “Người Sài Gòn là như thế sao?” của tác giả Song Ngọc của quý báo, với đoạn viết “Ngày trước tôi có chút tự hào mình là người Sài Gòn, về nhiều cái nhất của thành phố này trong đó có cả tính hào sảng, hay giúp đỡ người khác, một trong những đặc trưng của dân Nam bộ. Còn bây giờ tôi thấy ái ngại thay hình ảnh và văn hóa của người dân Sài Gòn”, dù không muốn “thanh minh” cho người Sài Gòn cũng không được. Bởi là dân ngoại tỉnh nhưng tôi đã nợ cái tình của người Sài Gòn ngay từ lúc bước chân lên vùng đất này quá nhiều.
Tôi nghĩ, nếu tác giả Song Ngọc chứng kiến cảnh mà tôi hàng ngày chứng kiến sẽ bớt đi phần nào tâm tư trong lòng.
Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 7 giờ sáng, ngay khoảnh sân của ngôi nhà nằm ngay góc ngã ba Bàu Cát 2-Trương Công Định (phường 14, quận Tân Bình) cũng xuất hiện đàn chim sẻ, bồ câu cả trăm con đua nhau xuống “đánh chén”. Người thết đãi bầy chim không ai khác là chủ nhân ngôi nhà.
Lý do ư? Tại họ là dân Sài Gòn luôn rộng lòng bao dung kể cả đối với chim huống chi người.
Chẳng thế mà, đã có người hàng tháng bỏ ra hàng triệu đồng để nuôi chim trời ở khu vực nhà thờ Đức Bà (quận 1).
Như thế người Sài Gòn không bao dung là gì?!
Nói dông dài chuyện chim để mọi người dễ hiểu, dễ tin, vì ai muốn chứng thực thì xin mời đến những địa điểm vừa nêu mà xem, mà thấy.
Đi vào câu chuyện cá nhân tôi kể, tôi nghĩ có người tin, có người không tin. Thế nhưng, tôi vẫn xin nói ra để những mong được một lần cảm ơn cái tình của người Sài Gòn một cách trang trọng trên một tờ báo “lâu năm” của Sài Gòn - Báo Người Lao Động. Còn quý báo không đăng bài, dù tiếc nhưng tôi cũng xin cảm ơn.
Số là, sau gần chục năm cày cục - đến giữa 2009 - vợ chồng tôi cũng tiết kiệm được một khoản kha khá để mua nhà. Khu vực chọn để “định canh, định cư” là những con hẻm nhỏ nhưng yên tĩnh ở quận Phú Nhuận.
Tìm hoài cũng ra một căn ưng ý, xem nhà xong, mới phát hiện mình “với” không tới. Thôi thì đành chia tay hai vợ chồng bác chủ nhà hưu trí hiếu khách.
Ấy vậy mà, một tuần sau tôi nhận được cú điện thoại của bác trai chủ nhà “hai vợ chồng mua được nhà chưa, chiều ghé bác chơi”.
Ừ, không mua được nhà thì cũng được “bữa trà” cùng vị cán bộ hưu trí ngành đường sắt. Nghĩ thế chiều hai vợ chồng tấp qua chơi.
Uống dứt ly trà, trả lời hàng loạt câu hỏi chất vấn gia cảnh của gia chủ xong, bác chủ nhà nói luôn: "Tụi con thiếu bao nhiêu?". "Mượn hết tất cả các nơi cũng thiếu tầm chục cây" - tôi trả lời. Không ngần ngại bác gái quyết luôn: "Thiếu trong vòng năm trả được không?".
Tôi gật đầu cái rụp. Gật xong rồi lại lo lắng “nhà này có cái gì mà gia chủ lại muốn bán và cho người mua thiếu nhiều vậy”.
Dò la khắp xóm mới hay, nếu chủ nhân chấp nhận bán cho hai vợ chồng nhà kế bên chuyên cho vay tiền góp ở chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận) thì giá ngôi nhà cao hơn giá bán cho tôi đến 5 lượng vàng.
Thật lạ! Sao có người tốt dữ vậy? - ắt sẽ người hỏi câu đó.
Đây, câu trả lời tôi còn nhớ như in: “Tại bác thấy tụi con còn trẻ, có trình độ, lễ phép, bác thương!”.
Tình thương “người dưng” không dừng lại ở đó. Còn nhớ đến giữa năm 2010 giá vàng bắt đầu tăng phi mã. Số vàng nợ 10 cây từ chưa tới 170 triệu lên đến hơn 350 triệu đồng. Nguy cơ khất nợ rất cao.
Một lần nữa tôi lại được thấy “lòng” của người Sài Gòn trong cơn khó. “Thấy tụi bay cày trả nợ thương đứt ruột. Thôi hai bác đã thống nhất bớt cho tụi bây 3 lượng. Lo mà sinh con sinh cái đi, kẻo già”, - cả hai vợ chồng bác chủ nhà cùng nói.
Số tiền 3 lượng vàng - thời điểm này trên 100 triệu đồng mà người Sài Gòn cho đi rất dễ đối với người dưng. Hỏi vậy không phải là bao dung, không quảng đại, không hào sảng thì là cái gì hả các bạn.
Câu chuyện này tôi kể cả trăm lần với bạn bè thân đang sinh sống tại Sài Gòn. Lần nào tôi cũng nghe các bạn kết một câu: Sài Gòn mà chú!
Bình luận (0)