Theo thông tin ban đầu, liên quan đến vụ hỗn chiến tại Bệnh viện Quốc Ánh, chồng và hai em ruột bà C.bị truy tố và xét xử tội "Cố ý gây thương tích". Qua một số người, bà C. đến văn phòng đại diện của một tờ báo tại quận Phú Nhuận, TP HCM gặp ông V.N.T nhờ “chạy án”.
Ông T yêu cầu chi 100 triệu đồng và hứa trong vòng 1 tháng sẽ giải cứu 3 người ra khỏi nhà tạm giữ Công an quận Bình Tân. Tin tưởng, bà C đã đưa 100 triệu nhưng TAND quận Bình Tân, TP HCM xét xử sơ thẩm vụ án, chồng và 2 em bà C bị tuyên phạt từ 6 năm đến 8 năm 6 tháng tù.
Nghĩ mình bị lừa, bà C. gọi cho ông T. thì không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Thấy vậy, bà C. giả vờ tiếp tục chạy án trong phiên tòa phúc thẩm thì được T. ra giá 600 triệu đồng.
Bà C giả vờ đồng ý, yêu cầu T. viết biên nhận đã nhận 100 triệu đồng trước đó, đồng thời cam kết đưa 500 triệu đồng còn lại. Khi có chứng cứ, bà C đã tố cáo hành vi của T. Chiều 25-3, khi bà và T. gặp nhau bàn về việc chạy án thì công an xuất hiện mời cả hai về làm việc.
Trong vụ việc này, theo tôi, cả ông T. và bà C. đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Hành vi đưa 100 triệu đồng của bà C. vi phạm pháp luật hình sự không và nếu có thì tội gi?
Nếu kết quả điều tra, xác minh thể hiện bà C. đến nhờ T. chạy án cho chồng và 2 em trai để được tại ngoại, đồng thời đưa cho ông T. 100 triệu đồng, hành vi này đã có dấu hiệu của tội “Đưa hối lộ” theo Điều 289 BLHS.
Bởi lẽ, khi đưa đưa tiền nhờ T. chạy án, ý chí chủ quan của bà C. nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Mục đích của việc bà C. đưa tiền là dùng lợi ích vật chất để mua chuộc người có chức vụ quyền hạn để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa, đó là để chồng và 2 em được tại ngoại!
Hành vi của bà C. là xâm phạm đến khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ: Sự hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng; làm cán bộ, người có thẩm quyền của cơ quan tố tụng bị thoái hóa, biến chất.
Ở đây có 2 khả năng xảy ra: Một là bà C. nhầm lẫn T. là người có chức vụ, có thẩm quyền giải quyết để chồng và em bà được tại ngoại. Việc nhầm lẫn về chủ thể trong trường hợp này, không loại trừ trách nhiệm hình sự của bà C. Hành vi của bà C. vẫn thỏa mãn dấu hiệu của hành vi đưa hối lộ.
Hai là, bà C. biết rõ ông T. không phải là người trực tiếp giải quyết vụ việc của bà nhưng bà vẫn nhờ T. với quan hệ của một nhà báo, tiếp xúc với người có trách nhiệm giải quyết vụ án, đưa tiền chạy án để cho chồng và 2 em bà tại ngoại. Trong trường hợp này, hành vi đưa hối lộ của bà C. lại rõ ràng hơn.
Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng có thể áp dụng khoản 6 Điều 289 BLHS để xem xét có thể miễn trách nhiệm hình sự cho bà C. và trả lại một phần hoặc toàn bộ tiền bà này đưa hối lộ. Việc xem xét có miễn trách nhiệm hay không phụ thuộc vào tính chất vụ án và quan điểm của cơ quan tố tụng.
Nếu hành vi của bà C. có dấu hiệu “đưa hối lộ” thì hành vi của ông T. có dấu hiệu của tội gì? Theo tôi, hành vi của ông T. trong trường hợp này là lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS hiện hành. Bởi lẽ, hành vi ông T. nhận tiền, hứa hẹn với bà C. là chạy án, nhưng thực tế ông ta không làm gì, chồng và 2 em của bà C. vẫn bị xử phạt tù, là thể hiện sự gian dối, hứa hẹn để chiếm đoạt tiền của bà C.
Nhân vụ việc này, cần lên tiếng cảnh báo với người dân, khi có vướng mắc về pháp luật thì nên nhờ người hiểu biết pháp luật hướng dẫn, tuyệt đối không nên có suy nghĩ “chạy chọt” để rồi tiền mất, bản thân thì đối diện nguy cơ phải đi tù.
Bình luận (0)