Cười là một phản ứng bình thường của con người để thể hiện cảm xúc vui mừng, hân hoan. Cười giúp tinh thần con người trở nên sảng khoái, quên đi mệt mỏi, bỏ qua bực dọc khi đang ở trạng thái hoặc tình huống căng thẳng. Cười cũng được xem là nền tảng của sự giao tiếp xã hội… Nói tóm lại, nụ cười rất quan trọng trong giao tiếp và cuộc sống, như ông bà ta thường nói: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”.
Thế nhưng, “gì cũng cười”, quá dễ cười đến mức trở thành “tật cười” như nhiều người Việt chúng ta thì không khéo có lúc gây nên “thảm họa”- như câu chuyện của nữ cán bộ Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam.
Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, có không ít học giả đã bàn về nụ cười của người Việt, thậm chí phê phán gay gắt. Học giả Nguyễn Văn Vĩnh thì coi tật hay cười của người Việt vô duyên, thậm chí vô nghĩa: “An Nam ta có cái lạ thế nào cũng cười… Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang”. Nhà văn Phan Khôi chỉ trích: “chỉ một cái cười cũng không nên dáng”.
Quả thật, không khó để tìm thấy những tiếng cười ồn ã ở đám tang, đám giỗ bên cạnh tiếng trống, tiếng kèn nỉ non và khói nhang nghi ngút. Không hiếm để bắt gặp những nụ cười vô duyên đến mức vô cảm của những người bu quanh một vụ tai nạn, một đám cháy, một thi thể chết trôi. Trong những buổi hội nghị, cuộc họp nghiêm túc cũng rúc rích tiếng cười. Bị thổi phạt vì vi phạm luật giao thông cũng gãi đầu gãi tai nở nụ cười nịnh nọt, cầu tài. Đưa máy ảnh lên, không cần biết xung quanh ra sao, vẫn toét miệng…Những cái cười không đúng nơi, đúng chỗ, ngô nghê và vô nghĩa ấy khiến ngay cả người Việt cũng không thể chịu nổi huống gì người nước ngoài.
Nghịch lý là, dù người Việt dùng nụ cười thật “hào phóng” nhưng trong công sở nhà nước, thật khó để tìm thấy nụ cười trên mặt cán bộ, nhân viên tiếp dân. Thay vào đó là gương mặt lạnh tanh, lời nói nhát gừng, cộc cằn. Thế cho nên, thật không ngoa để nói rằng: “Người Việt rất hào phóng nụ cười nhưng thật ra lại không biết cười”- như một người bạn nước ngoài của tôi (có thời gian công tác 3 năm ở Việt Nam) từng nhận xét.
Mời tham gia diễn đàn
Báo Người Lao Động trân trọng mời bạn đọc tham gia diễn đàn “Cười sao để không… vô duyên”. Mọi ý kiến đóng góp, bài vở xin gửi về hộp thư: online@nld.com.vn hoặc bandoc@nld.com.vn
Bình luận (0)