Cứ sáng sáng mở các trang báo hay đọc trên các mạng xã hội là nhan nhản chuyện chém giết nhau. Bất kể ngày hay đêm. Xa lạ lẫn thân tình. Cứ hễ không vừa ý nhau thì cách giải quyết nhanh nhất là "xử đẹp". Cha mẹ mắng con: bị chém, va quẹt xe nhau: chém, cho rằng nhìn đểu: chém; đòi nợ không trả: chém. Nhậu mà uống chậm: cũng chém!….Truyền thống tôn sư trọng đạo và những giá trị gia đình ngày càng mai một làm cho nhiều người lớn tuổi lẫn các nhà xã hội học đau đầu trước thực trạng xuống cấp về mặt đạo đức.
Bạn đọc Huu loc nhận định: "Ngành y chăm sóc phần xác con người, giáo dục chăm sóc phần hồn, còn pháp luật thì bảo vệ cả 2 cái đó". Nhiều bạn đọc cũng cho rằng giáo dục hiện nay tạo cho trẻ tâm lý háo thắng mà thiếu giáo dục sự tử tế. Một số ý kiến khác đề nghị nên bỏ đi những tập tục, lễ hội có tính chất giết chóc, cúng tế cho dù đó là văn hóa truyền thống. "Tất cả bắt nguồn từ nền giáo dục mà ra! Giáo dục tốt thì văn hoá ứng xử con người mới tốt lên được. Những nét văn hoá truyền thống của dân tộc mang tính chất nhân văn nên giữ lại, còn văn hoá như: chém heo, đâm trâu nơi công cộng độc ác quá nên bỏ đi! Thứ hỏi, những đứa trẻ xem cảnh đâm chém con vật đó thì trong đầu chúng nghĩ gì...?"- bạn đọc Lý Tưởng băn khoăn.
Có những ý kiến cho rằng đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp là do hành pháp không nghiêm: "Bọn côn đồ ngày càng lộng hành. Dễ thấy là do đạo đức xã hội suy đồi, do ngành giáo dục đã không làm tròn nhiệm vụ khi toàn nói chuyện trên mây mà thiếu quan tâm giáo dục đạo đức, giáo dục làm người. Ngoài ra, luật pháp không nghiêm, xử lý kiểu nửa vời, làm cho bọn ác lờn mặt, chuyện vác mã tấu rượt đuổi xe để chém người, chẳng coi ai ra gì, công lý ở đâu?"- Bạn đọc Lê Nguyên phê phán.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Võ Minh Tuấn nói: "Theo tôi nghĩ lỗi ở những người ra luật và thi hành pháp luật, họ không làm hết chức năng được dân giao cho, ví dụ chạy xe ngược chiều phạt vài trăm ngàn, hát hò lôi nguyên cái loa mở hết công suất từ sáng đến tối chẳng công an nào phạt, chỉ khổ người già".
Đã thấy rõ bệnh nhưng trị bệnh bằng cách nào thì cần có nhiều người và nhiều giải pháp để khơi dậy lại các tinh thần và những giá trị nhân văn xưa của người Việt. Hy vọng là chưa quá trễ để mọi người cùng nhìn lại mình. Nhìn lại để có những cải tổ và sửa đổi giúp cho chúng ta bỏ dần những thói hư tật xấu, như bạn đọc Tâm góp ý: "Nghiệm theo câu nói của người xưa "Phần nhiều do giáo dục mà nên". Giáo dục sẽ làm nhỏ lại phần con và phát triển phần người. Giáo dục ở đây bao gồm: Giáo dục ở nhà trường, giáo dục ở gia đình, tấm gương của người lớn, luật pháp chuẩn và nghiêm minh. Chúng ta thấy phạm trù rất lớn như vậy để thấy rằng việc chấn chỉnh đạo đức lối sống con người Việt Nam hiện nay là rất khó khăn, tốn kém, lâu dài. Nếu không có kế hoạch bắt đầu từ bây giờ và kiên quyết thì trăm năm nữa vẫn vậy và có nguy cơ ngày càng tệ hơn".
Bình luận (0)