Theo một báo cáo mới đây của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, mực nước ngầm tại TP HCM đã hạ thấp gần 18 m kể từ năm 1995. Các chuyên gia cho rằng việc khai thác quá mức tài nguyên nước ngầm sẽ dẫn đến chất lượng nguồn nước suy giảm, ở các khu vực ven biển đang có dấu hiệu bị suy thoái nghiêm trọng do nhiễm bẩn và mặn, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Khai thác nước ngầm tràn lan
Qua ghi nhận ở một số quận, huyện ngoại thành tuy nhiều nơi đã có hệ thống cung cấp nước sạch, ống dẫn đến tận nhà nhưng người dân vẫn sử dụng nước giếng phục vụ cho nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hằng ngày, chăn nuôi, trồng trọt… vì theo họ giá rẻ so với sử dụng nước máy. Một chủ cơ sở chuyên khoan giếng cho biết chỉ cần thuê khoan giếng, mua máy bơm, ống dẫn chừng 4 triệu đồng là đã có ngay một giếng nước ngọt xài thoải mái. Ít ai nghĩ đến những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng nguồn nước ngầm chưa qua xử lý. Chưa kể, nhiều người coi nước ngầm như “của trời cho”, không cần tiết kiệm, cứ vô tư phung phí, tha hồ tưới cây, mở điểm rửa xe, sản xuất nước đá, giặt tẩy…
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân ở quận, huyện ngoại thành vì mua nhà giấy tay vướng nhiều thủ tục nên chưa thể làm sổ hộ khẩu và vì vậy cũng chưa thể được sử dụng nước sạch theo định mức với giá ưu đãi. Điển hình như người dân tại ấp 5, xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) phải trả với giá cao, người dân đã dùng giếng khoan dù nước bị nhiễm phèn.
Một nguyên nhân nữa là do công tác tuyên truyền, vận động hộ dân sử dụng nước sạch thực hiện chưa tốt. Nhiều gia đình từ khi xây nhà, khoan giếng và sử dụng đến nay, không thấy chính quyền địa phương nhắc nhở gì.
Không chỉ người dân khoan giếng, nhiều đơn vị chăm sóc công viên, cây xanh trên địa bàn cũng sử dụng nguồn nước ngầm để tưới cây; nhiều KCN, KCX vẫn đang sử dụng nước ngầm là nguồn nước chính trong các hoạt động sản xuất.
Kéo giảm theo lộ trình
Trong các đợt giám sát nước sạch của HĐND TP, đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường TP cho biết TP đã có chỉ đạo về việc hạn chế cấp phép khai thác nước ngầm. Hiện một số ngành nghề đặc thù như bia, nước giải khát, thực phẩm, doanh nghiệp muốn được tự kiểm soát nguồn nước. Đối với các đơn vị đang được cấp phép sẽ bị cắt giảm lượng nước khai thác và dần dần sẽ ngưng cấp phép khai thác nước ngầm, chuyển sang nguồn nước sạch từ các công ty cấp nước.
Về vấn đề này, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP (HEPZA), cho biết vừa ký kết với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO)cung cấp nước sạch để hạn chế và tiến tới ngưng khai thác nước ngầm tại các KCN- KCX. Ông Hòa giải thích do SAWACO đang tập trung cung cấp nước sạch cho người dân, chưa phát triển mạng lưới đến hàng rào các khu vực trên.
Để duy trì hoạt động, các công ty hạ tầng KCX-KCN đã khai thác nước ngầm, xây dựng hệ thống xử lý nước và mạng lưới đường ống đến từng doanh nghiệp trong khu. Khi các đơn vị cấp nước như SAWACO Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn đã có đường ống đến các KCX, KCN và bảo đảm yêu cầu thì các doanh nghiệp trong khu sẽ sử dụng nguồn nước này. Sắp tới, HEPZA sẽ cắt giảm khối lượng khai thác nước ngầm và thay thế bằng nguồn nước của các công ty cấp nước để các doanh nghiệp quen dần.
Ngoài ra, theo ông Hòa, bên cạnh lý do lịch sử hình thành, các công ty hạ tầng chưa sử dụng nguồn nước từ SAWACO còn vì chiết khấu 10% nên không đủ chi phí bảo dưỡng, vận hành, khấu hao đường ống.
“HEPZA sẽ kiến nghị UBND TP xem xét thực hiện thí điểm giá nước linh hoạt thấp hơn giá được duyệt tại Quyết định số 103/2009/QĐ-UBND để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nước hiệu quả” - ông Hòa cho biết.
Đường lún do mực nước ngầm giảm
Tiến sĩ Trần Ngọc Tiến Dũng, Trung tâm Nghiên cứu châu Á về nước (thuộc Đại học Bách khoa TP HCM), cho biết nước ngầm nếu khai thác ở hộ gia đình thì không ảnh hưởng nhiều nhưng nếu khai thác nhiều trên phạm vi rộng sẽ gây tác động rất lớn. Theo đó, nguồn nước ngầm sẽ bị ô nhiễm do khoan không đúng kỹ thuật khiến chất ô nhiễm sẽ theo mũi khoan xuống đất. Ngoài ra, nếu sử dụng nước ngầm nhiều sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngầm. Cạnh đó, việc khai thác nước ngầm nhiều, ồ ạt sẽ làm cho nền đất bị lún và kéo theo hạ tầng kỹ thuật như đường, hệ thống thoát nước, nhà cửa, công trình xây dựng bị lún theo. Một khi nền đất bị lún sẽ không thể nâng lên lại được, nếu có thì mất rất nhiều thời gian nhưng khó khôi phục giống như hiện trạng ban đầu. Ông Dũng cho biết trung tâm đang bắt đầu nghiên cứu về tình trạng khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.
Tr.Hoàng
Bình luận (0)