Đi dọc tuyến đường ĐT 851 đoạn từ thị trấn Lai Vung đến xã Tân Thành thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp có thể dễ dàng nhận thấy nhiều vựa cam, quýt lớn, nhỏ. Trong đó, vựa trái cây M.T. (thuộc xã Tân Thành, huyện Lai Vung) nằm ngay vị trí khá đẹp và thu hút. Hằng ngày, tại vựa này có hàng chục xe tải tấp nập xếp hàng chờ vận chuyển cam, quýt. Tuy nhiên, chuyện mua bán chẳng có gì đáng nói nếu như chủ vựa M.T. giao dịch sòng phẳng với nhà vườn.
Dùng chiêu lấy lòng tin
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Hùng Việt (ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu), cho biết vựa trái cây M.T. đã hoạt động hơn 10 năm nay. Các năm trước, chủ vựa này là bà T.T.M.T làm ăn khá uy tín với nhà vườn. Cứ cân cam, quýt xong là chủ vựa trả tiền nhanh chóng. Thậm chí, bà T. còn đến tận các vườn lớn để thuyết phục nông dân bán cam, quýt cho mình. Tại đây, bà T. tuyên bố: "Bà con cứ yên tâm hợp tác với chúng tôi".
Các hộ dân trồng quýt hồng ở Lai Vung bức xúc trước việc bị chủ vựa trái cây M.T. quỵt tiền
Cũng theo ông Việt, những hộ bán quýt cho vựa trái cây M.T. với thỏa thuận sẽ nhận đủ tiền sau 10 ngày. Thế nhưng, đến nay, đã trễ hạn thanh toán hơn 6 tháng nhưng ông Việt vẫn chưa nhận được thêm đồng nào từ bà T. "Bà con ở đây không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công…", ông Việt bức xúc nói.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Thoại (ngụ cùng ấp với ông Việt), cho biết gia đình ông sống nhờ vào 10 công quýt đường, quýt hồng. Các diện tích này vẫn đều đặn cho thu hoạch. Khoảng 2 năm trở lại đây, gia đình ông Thoại bán cho vựa trái cây M.T. khoảng 50 tấn quýt. Ban đầu, chủ vựa tính toán tiền rất sòng phẳng. Thấy có uy tín nên ông Thoại quyết định làm ăn lâu dài cùng bà T. với hình thức cân bao nhiêu ký đều ghi vào giấy đàng hoàng, sau khi cân xong cộng lại để tính tiền.
Đơn kêu cứu của những hộ trồng quýt hồng
"Tuy nhiên, đến vụ quýt Tết Nguyên đán 2018, tôi bán cho vựa này hơn 30 tấn quýt với tổng số tiền 480 triệu đồng. Cộng với đó là số tiền vựa này còn thiếu tôi trong năm khoảng 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, chủ vựa cứ trả tiền tôi "ngắt khúc" rồi hẹn tới hẹn lui. Đến tháng 4-2018, vựa này ngưng không trả tôi thêm đồng nào nữa. Hiện giờ, bà T. còn thiếu tôi còn khoảng 700 triệu đồng", ông Thoại tiết lộ.
Còn trường hợp của ông Phạm Văn Cường thì đáng buồn hơn. Vì tin tưởng chỗ vựa trái cây M.T., ông Cường đã mua bán qua lại với chủ vựa có lúc không cần ghi ra hóa đơn. Trong năm 2017 đến đầu năm 2018, ông Cường bán tổng cộng cho bà T. hơn 48 tấn quýt với số tiền tương đương với số tiền xấp xỉ 1 tỉ đồng. Thế nhưng, bà T. chỉ trả tiền ông Cường theo kiểu nhỏ giọt. Đến lúc còn khoản nợ 232 triệu đồng thì ngưng trả đến nay.
Nhà cửa nông dân gặp nhiều khó khăn còn gặp phải việc bị quỵt tiền
"Với 4 nhân khẩu sống nhờ vào 10 công quýt, vụ vừa qua, gia đình tôi trúng đậm. Những tưởng sẽ giải quyết được khoản nợ mua phân bón mấy trăm triệu đồng, cũng như có tiền tái sản xuất nhưng mọi tính toán của tôi đã tan biến. Hiện tại, nợ tôi không giải quyết được mà vốn tái sản xuất cũng không có chỉ vì quá tin tưởng vào bà T.", ông Phạm Văn Hùng, một hộ dân ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, nói như khóc.
Tẩu tán tài sản?
Theo nhiều hộ nông dân, trong quá trình thưa kiện, từ đầu năm 2018, 16 thửa đất 19.500 m2 và xe tải vẫn còn là tài sản đứng tên bà T. Khi người dân gửi đơn tố cáo đến TAND huyện Lai Vung và tòa có mời bà T. cùng các hộ dân ra hòa giải nhưng bất thành.
Song, điều đáng nói ở đây là khi cơ quan chức năng kiểm tra tài sản của vựa trái cây M.T. thì bà T. bỗng dưng trở thành "vô sản". Bởi lẽ, tất cả 16 thửa đất và xe tải của bàn T. đã chuyển sang tên cho người em ruột chỉ trong vòng thời gian ngắn.
"Khi tòa mời bà T. ra làm việc thì bà này hứa trả tiền mỗi tháng. Tuy nhiên, khi trả được 2-3 lần thì bà T. ngưng, không trả nữa", ông Phạm Văn Cường cho biết.
Cụ ông này phải lâm vào cảnh nợ nần sau khi bị chủ vựa quỵt tiền
Ông Phạm Văn Hùng bức xúc: "Tổng số tiền vựa trái cây M.T. còn thiếu gia đình tôi là hơn 570 triệu đồng. Tôi có làm đơn yêu cầu đến Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Lai Vung nhưng đơn vị này cho biết là bà T. hiện không còn tài sản để thi hành án do trước đó đã lập thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người em ruột".
Ông Nguyễn Văn Hồng buồn bã nói: "Lúc thu hoạch, giá quýt ngoài thị trường khoảng từ 22.000 – 24.000 đồng/kg. Thế nhưng, do giữ chữ tín, nông dân ở đây chấp nhận bán quýt theo giá thỏa thuận thấp hơn giá thị trường. "Dù quá lao đao do bị quỵt tiền, nhiều người vẫn phải vay nóng để trả nợ và chưa biết bao giờ mới trả được", ông Hồng cho biết.
Theo thông tin từ Công an huyện Lai Vung, đến vụ quýt Tết 2018, có khoảng 16 hộ nông dân cứ tuần tự bán cam, quýt cho vựa trái cây N.T. với tổng số tiền khoảng 5 tỉ đồng. Trong đó, có người bán vài chục triệu, có người số tiền lên đến 1 tỉ đồng.
Đại tá Phạm Đức Toàn, Trưởng Công an huyện Lai Vung, xác nhận: "Chuyện nông dân bị vựa trái cây M.T. thu mua nông sản rồi không trả tiền là có thật. Chúng tôi đang trong quá trình điều tra giá trị tài sản cố định của bà T. xem có đủ khả năng thanh toán hay không. Vụ việc sẽ sớm có hướng giải quyết ổn thỏa".
Bình luận (0)