Chuyện một người mẹ ở phường 14, quận Tân Bình, TP HCM từ chiều đến tận nửa đêm chở con gái 5 tuổi (nghi bị người hàng xóm dâm ô) đi lòng vòng khắp nơi để tìm nơi giám định cho con là minh chứng sống động nhất về thực tiễn trẻ em (TE) bị xâm hại không biết báo cho ai.
Xuyên đêm tìm nơi giám định
Theo người mẹ kể lại: Chiều 14-4, con gái chị ở nhà một mình, bị người hàng xóm vào nhà và có hành vi dâm ô. 16 giờ cùng ngày, chị hoảng hốt chở con ra Công an (CA) phường 14 trình báo. Sau khi lấy lời khai, CA phường yêu cầu chị đưa con qua bệnh viện (BV) gần đó để khám nhưng nơi đây không khám cho TE, giới thiệu chị qua BV Nhi Đồng 1. Tại đây, bác sĩ giới thiệu chị qua Trung tâm Pháp y. Tưởng đã được khám cho con, nào ngờ trung tâm hướng dẫn mẹ con chị về CA quận Tân Bình để được trực tiếp đưa lên giám định. Hai mẹ con lóc cóc lên quận, cán bộ yêu cầu về phường, đợi phường nộp hồ sơ gửi lên. Vừa mệt vừa lo, chị quày quả quay trở về nơi xuất phát nhưng CA phường lại hướng dẫn chị ra BV Tân Bình. Đêm khuya, BV chỉ nhận cấp cứu, không khám bệnh, 2 mẹ con chị đến BV Thống Nhất nhưng bị từ chối, chị về lại CA phường. Lần này có hội phụ nữ phường tới và khoảng 1 giờ sáng, CA đưa đối tượng ấu dâm xuống phòng trọ của chị dựng lại hiện trường. Mãi đến hôm sau, CA quận Tân Bình mới đưa mẹ con chị đi giám định.
Câu chuyện trên được các đại biểu trong đoàn giám sát Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP HCM đặt ra trong các buổi giám sát tại các quận, huyện về quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo tố giác hành vi xâm hại trẻ em (XHTE). Câu trả lời đoàn nhận được là vấn đề này được thực hiện theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP (viết tắt NĐ 56).
Theo đó, "các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi XHTE hoặc TE có nguy cơ bị xâm hại thì có trách nhiệm thông báo ngay cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ TE (Tổng đài 111) hoặc cơ quan lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) các cấp hoặc cơ quan CA các cấp hoặc UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc. Nơi tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ; cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan LĐ-TB-XH các cấp, cơ quan CA các cấp, UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi TE cư trú để thực hiện việc kiểm tra tính xác thực về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với TE khi được yêu cầu".
Thế nhưng, không mấy người dân nắm được quy trình này. Thậm chí, một số cán bộ thuộc các cơ quan được quy định theo NĐ 56 cũng… không nắm. Vì vậy, câu chuyện người mẹ ở phường 14, quận Tân Bình không hiếm trong thực tế.
Lương Tấn Bửu (SN 1991) có hành vi hiếp dâm và dâm ô 2 bé gái tại một công viên ở quận 5, TP HCM vào tối 11-4 (Ảnh: PHẠM DŨNG)
Thiếu quy chế phối hợp
Hiện nay, có rất nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức từ cấp xã - phường, quận - huyện, tỉnh - thành đến trung ương, các tổ chức xã hội có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc TE. Tuy nhiên, tình trạng TE bị xâm hại vẫn xảy ra ngày một tăng và khi trẻ bị xâm hại, phụ huynh thường lúng túng, không biết phải báo ai trong rất nhiều cơ quan, tổ chức đã được quy định.
Tại các buổi giám sát, ông Chung Hùng Bang, Phó trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc TE và bình đẳng giới Sở LĐ-TB-XH TP, thừa nhận dù NĐ 56 đã hướng dẫn thực hiện nhưng việc triển khai ở nhiều nơi, cán bộ chưa hiểu và nắm hết, các cơ quan liên quan cũng chưa có sự phối hợp và có sự chồng chéo dẫn đến có tình trạng nhiều ngành cùng lúc tham gia, can thiệp và hỗ trợ trẻ, dẫn đến việc bảo vệ quyền riêng tư của TE không được thực hiện tốt.
Cũng theo ông Bang, là cơ quan chủ trì về bảo vệ TE, Sở LĐ-TB-XH và các ban, ngành đã xây dựng "Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp TE bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP HCM" và đã trình UBND TP. Mục đích nhằm bảo đảm cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cụ thể hóa trách nhiệm của cá nhân, tập thể; giúp cho việc xử lý thông tin đồng bộ, nhanh chóng khi xảy ra các vụ việc TE bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Tuy nhiên, dự thảo này chưa được UBND TP thông qua.
"Xảy ra bạo lực, XHTE là nỗi đau lớn nên người dân luôn quan tâm quy trình tiếp nhận điều tra, xử lý và kết luận vụ việc. Thời gian tới, cần có cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các đoàn thể, cơ quan trong xử lý vụ việc; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ TE về quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tội phạm XHTE. Bên cạnh đó, nên có đường dây nóng miễn phí tiếp nhận thông tin tố giác XHTE và thông báo cho người dân nắm rõ" - ông Bang đề xuất.
Phó Bí thư Thành đoàn TP HCM Phan Thị Thanh Phương cũng cho rằng sự phối hợp giữa các đoàn thể, sở, ngành liên quan chưa tốt; mỗi đơn vị có kế hoạch độc lập, thiếu sự liên kết, phối hợp, phân vai dẫn đến chồng lấn, bối rối trước một vụ việc XHTE xảy ra. Trong khi đó, ông Trương Minh Đức, Phó trưởng CA huyện Hóc Môn, đề xuất nên có cơ quan chuyên trách làm công tác tiếp nhận và hỗ trợ người dân trước vụ việc trẻ bị xâm hại. Như vậy, trách nhiệm rõ ràng và người dân sẽ không lúng túng vì không biết báo ai để được xử lý.
Về Tổng đài 111 với nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, tố giác hành vi XHTE từ các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và TE... Tuy nhiên, theo các đại biểu, có bao nhiêu phụ huynh và TE biết số tổng đài này? Đó là chưa kể trong nhiều trường hợp, Tổng đài 111 cũng không thể kết nối được với người làm công tác bảo vệ TE cấp xã do cán bộ không nghe máy, bận họp, không tiếp nhận thông tin...
Phải thay đổi phương thức tuyên truyền
Bà Phan Thị Thanh Phương cho rằng hiện nay việc tuyên truyền thường được thực hiện theo phương thức mời người dân lên họp rồi phổ biến. Cách làm này hiệu quả không cao, cần thay đổi. Theo đó, phải nhận diện được đối tượng xâm hại và bị xâm hại, từ đó xây dựng truyền thông với từng đối tượng cho phù hợp. Đem vấn đề bạo lực, XHTE xuống khu dân cư, tận nhà dân để tuyên truyền, tập huấn và phải làm ngoài giờ. Đối tượng tuyên truyền ở trường học, ngoài học sinh cấp 2, cấp 3, phải chú trọng đến học sinh tiểu học - đối tượng nguy cơ cao, bị xâm hại nhiều trong thời gian qua.
Bình luận (0)