Bạn đọc NGUYỄN TƯ TƯỜNG MINH (chung cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP HCM):
Mong mọi người đều bình an
Ngày giãn cách thứ bao nhiêu, ngày phong tỏa thứ bao nhiêu gần đây tôi không đếm và nhớ nữa, vì bây giờ ở yên trong nhà được ngày nào tốt ngày ấy.
Những ngày giãn cách, lần đầu trong đời tôi trải nghiệm dự đám cưới online. Một đám cưới nhẹ nhàng, đơn giản mà tình cảm ấm áp tràn trề của đôi bạn trẻ. Khách mời tham dự trực tuyến mà xúc động vô cùng, hân hoan gửi bao lời chúc hạnh phúc đến cô dâu chú rể.
Những ngày giãn cách, mỗi ngày ở nhà với con lại thấy yêu con nhiều hơn. Hai mẹ con nói đủ thứ chuyện và cùng nhau làm mọi việc. Tôi để ý nếu thực sự chú tâm trong câu chuyện với con thì sẽ phát hiện vô số những điều bất ngờ mà con trẻ mang lại, đặc biệt qua đó người lớn ngó lại mình nhiều hơn. "Nhìn cây sửa đất" có lẽ là ở đây.
Lực lượng chức năng kiểm tra việc người dân ra đường trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Có những hôm ngắm nhìn con trai, thương con và thương các bạn nhỏ khác thật nhiều. Ở tuổi chạy nhảy, vui chơi hồn nhiên, các con lại chung nỗi lo dịch bệnh với người lớn. Một đôi lần tôi đùa: "Con muốn đi chơi không?", con trả lời: "Dịch vầy đi đâu mẹ?". Khu tôi ở có 4 nhà thì 3 nhà có bạn ngang tuổi con. Khoảnh sân trước nhà các con thường ra chơi nay im ắng hẳn. Từ bên này các con chỉ có thể thỉnh thoảng hú hét, gọi nhau qua khung cửa, còn thì ai ở nhà nấy. Nhà này sát nhà kia hoặc từ nhà này qua nhà kia chừng 4- 5 m mà như xa thăm thẳm.
Nhìn con, rồi nghĩ đến những bạn nhỏ có ba mẹ phải túc trực ngày đêm ở các bệnh viện, các chốt kiểm soát hay bị cách ly, càng thấy thương hơn. Để có sự bình an cho những gia đình như chúng tôi, bao người đã phải hy sinh tình cảm riêng tư, tạm rời xa gia đình, gác bỏ những lo toan cho người thân yêu; bao trẻ thèm hơi ấm, cái ôm của cha mẹ mà không thể, bởi dịch bệnh…
Những ngày này rồi sẽ qua và trở thành trải nghiệm khó quên. Chỉ mong sao mỗi ngày trôi qua, mọi người đều được bình an.
Bạn đọc TRẦN VĂN TÁM:
Chủ động trong công việc và cuộc sống
Hơn 30 năm nay, cứ 4 giờ sáng, tôi dậy tập thể dục đi bộ một vòng chừng 40 phút rồi về nhà vệ sinh cá nhân. Gần 6 giờ, tôi đi ăn sáng rồi đến sạp báo mua báo, ghé quán cà phê ung dung vừa đọc báo vừa nhâm nhi ly cà phê đá tán gẫu với bạn bè. 6 giờ 45, tôi đến trường, chuẩn bị cho ngày làm việc mới.
Ngày 1-4-2020, ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Buổi sáng, tôi đến tiệm ăn điểm tâm, chưng hửng trước tấm bảng "Quán bán mang về". Ghé sạp báo mua xong tờ báo, ngước nhìn qua quán cà phê đối diện, quán đóng cửa. Một vài khách quen ghiền chỗ ngồi tán gẫu hơn là ghiền cà phê thấy quán không mở cửa, nét mặt kém vui, dựng xe trước quán nói chuyện với nhau vài câu rồi ai về nhà nấy.
Về nhà, tôi tự chuẩn bị cho mình bữa ăn sáng, nhâm nhi ly cà phê đá hòa tan và đọc báo. Hơn 8 giờ, tôi bắt đầu cho ngày làm việc đầu tiên bằng trực tuyến, cảm nhận đầu óc rối nùi, áp lực vì điện thoại liên tục báo có tin nhắn, giải quyết việc này chưa xong lại đến việc khác, hết báo cáo qua email lại xử lý thông tin qua Zalo... Sau 3 ngày làm gì cũng "một mình", tôi thích ứng với môi trường làm việc online, không còn bị áp lực thời gian hay mệt mỏi tinh thần lẫn thể xác. Thói quen 30 năm cũng đã có chút ít thay đổi: ăn sáng, uống cà phê, đọc báo "một mình".
Ngày 1-6-2021, dịch Covid-19 bùng phát lần 4, TP HCM tiếp tục giãn cách xã hội đến nay đã hơn 2 tháng, tôi vẫn bình thản làm việc trực tuyến, giải quyết hiệu quả công việc cơ quan; cũng không bị xáo trộn gì nhiều trong sinh hoạt. Tất cả là nhờ sự chủ động trong việc lên thời gian biểu hằng ngày cho công việc lẫn cuộc sống.
Sau cơn mưa trời lại sáng
Kể từ ngày có quy định giãn cách xã hội, tôi tạm ngưng thói quen chơi bóng chuyền với đồng nghiệp. Thay vào đó, tôi chạy bộ vòng quanh nhà, nhảy dây rồi quét dọn, lau chùi, sửa chữa những hỏng hóc nhỏ... Tôi cũng dành nhiều thời gian để liên lạc, thăm hỏi người thân qua điện thoại, mạng xã hội…; từ đó giúp tinh thần được thanh thản, thoải mái, tránh sự lo lắng, hoang mang.
Chọn lựa những báo có uy tín để đọc tin tức là cách giúp tôi có được hiểu biết và tăng thêm niềm tin, sự lạc quan cần thiết. Công việc viết báo của tôi (cộng tác viên tự do) vẫn tiến hành đều đặn, chỉ khác một điều: tôi viết chậm lại nhưng số lượng bài có tăng lên so với thời gian đi dạy.
Đặc biệt những ngày giãn cách, tôi được sống là chính mình, được thực sự giải trí khi thỏa sức đắm chìm trong những truyện cười trên các sách báo, tạp chí, kênh truyền hình có tính hài hước; được "đi du lịch" nhiều nơi…
Sở dĩ tôi có được cách sống chậm, tinh thần bình tĩnh, lạc quan vì tôi tin mọi chuyện rồi sẽ ổn, "sau cơn mưa trời lại sáng". Rồi tôi sẽ gặp lại những ánh mắt sáng ngời, hồn nhiên của học trò tôi; tôi được tươi cười bắt tay bạn bè, đồng nghiệp; được chơi thể thao ngoài trời; được nhìn thấy người thân, hàng xóm, đồng nghiệp tiếp tục công việc mưu sinh hằng ngày của họ, cống hiến cho thành phố thân yêu.
Nguyễn Tấn Thư
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-7
Bình luận (0)