Liên quan đến vụ cháy khiến 32 người tử vong và hàng chục người bị thương ở quán karaoke An Phú (TP Thuận An, Bình Dương), bạn đọc đã chỉ ra nhiều bài học về phòng cháy chữa cháy (PCCC) hiện nay ở các cơ sở kinh doanh karaoke.
Hệ thống PCCC chưa đạt chuẩn
Theo bạn đọc Dân Tui, cấu trúc của quán karaoke như chiếc hộp, chỉ có một lối đi chung, không có cửa thoát hiểm, trong khi diện tích sàn đến 1.500 m2, có đến 30 phòng hát là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tâm.
Bạn đọc Nguyễn Văn Thuyên khẳng định nếu khâu thiết kế, thẩm định hệ thống PCCC đúng; hệ thống cảnh báo cháy tự động hoạt động; các phòng lắp thiết bị âm thanh để cảnh báo, hướng dẫn khách thoát nạn…, thì đã không có chuyện khách bị kẹt lại bên trong không thoát ra được.
Nhiều bạn đọc cho rằng để xảy ra cháy nổ khiến 32 người thiệt mạng là hậu quả thảm khốc của sự chủ quan, thờ ơ trong việc phòng chống cháy nổ của chủ cơ sở, khách hàng; việc cấp phép kinh doanh với loại hình đặc biệt còn dễ dãi, kiểm tra PCCC còn hình thức, xử lý vi phạm nửa vời của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
"Đã đến lúc nên có thiết kế nhà riêng cho dịch vụ karaoke vì hiện tại đều cải tạo từ nhà ở nên dễ cháy nổ và khó thoát hiểm. Ngoài ra, các thiết bị chữa cháy cũng phải để nơi dễ thấy, dễ sử dụng khi có sự cố; thường xuyên huấn luyện cho nhân viên về an toàn, phòng chống cháy nổ" - bạn đọc Lê Thạch Hà nêu ý kiến.
Vụ cháy cơ sở karaoke An Phú khiến 32 người tử vong gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng
Xử lý trách nhiệm người liên quan
Vụ cháy hiện đang được Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, xác minh để xem xét xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan.
Bạn đọc Tuti nói thẳng: "Nếu không có tiêu cực thì có cho thêm tiền, mấy ông kinh doanh karaoke và khách sạn cũng không dám vi phạm. Giờ người chết thì đã thiệt mạng rồi, phải chỉ rõ nguyên nhân. Đó là do chủ cơ sở karaoke và những người bỏ qua vi phạm, ký giấy cho quán karaoke tồn tại suốt thời gian qua, bất chấp cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ quy định PCCC. Đó là gốc rễ của thảm họa, không chỉ riêng vụ này".
Trước đó, cuối tháng 4-2022, Công an TP Thuận An đã làm việc với cơ sở karaoke An Phú, đề nghị chủ cơ sở liên hệ với đơn vị chuyên môn về ngành điện kiểm tra, rà soát hiện trạng hệ thống điện, đánh giá tình trạng hệ thống điện đang sử dụng…, tuy nhiên chủ cơ sở karaoke An Phú đã không thực hiện. Dẫn lại sự việc này, bạn đọc L.N đặt câu hỏi: "Từ tháng 4-2022 đến nay, đơn vị PCCC có lần nào kiểm tra xem cơ sở này có làm theo khuyến cáo không".
Bạn đọc Lê Nguyên Phong phân tích trước tiên, cần đánh giá điều kiện an toàn PCCC của cơ sở. Việc bảo đảm điều kiện an toàn PCCC trong quá trình hoạt động đã được cơ quan PCCC cấp phép, có nghĩa đã tính đến việc thoát nạn, số người thoát nạn, điều kiện thoát nạn, khả năng hoạt động của các trang thiết bị, hệ thống, dụng cụ PCCC, việc xử lý của lực lượng tại chỗ… "Một công trình đã bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC mà khi xảy ra cháy, gây chết 32 người. Nếu các công trình chưa bảo đảm an toàn PCCC thì còn nguy hiểm hơn. Mong bà con nâng cao cảnh giác, tự trang bị kiến thức PCCC để bảo đảm tính mạng, sức khỏe, vì cháy không biết xảy ra lúc nào, cháy ở đâu" - bạn đọc Lê Nguyên Phong cảnh báo.
"Để hạn chế các vụ cháy đau lòng xảy ra, nên có ngay một vụ án điểm xem xét trách nhiệm hình sự với người có trách nhiệm về PCCC" - bạn đọc Dương đề nghị.
Vi phạm PCCC, phải xử lý nghiêm
Chiều 11-9, tại Đồng Nai cũng xảy ra vụ hỏa hoạn tại cơ sở karaoke Yến Nhi (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Vụ cháy không gây thương vong về người nhưng nhiều tài sản bên trong bị thiêu rụi. Cơ sở karaoke 3 tầng này cũng được xây bít bùng, biển hiệu che kín mặt tiền tầng trên căn nhà.
Bàn về việc để công tác PCCC có hiệu quả, bảo đảm tính nghiêm minh pháp luật, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh..., bạn đọc Nguyễn Đước cho rằng dù chưa để xảy ra cháy nổ nhưng xét thấy hành vi có tính chất, dấu hiệu đe dọa, có thể xảy ra cháy nổ nghiêm trọng, cần khởi tố để điều tra và xử lý nghiêm minh. Ngoài ra, cần nghiên cứu tăng nặng mức phạt tiền đối với các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có hành vi có thể gây ra nguy cơ hỏa hoạn, cháy nổ nghiêm trọng, như: không tự kiểm tra PCCC, xây dựng các phương án PCCC, vi phạm về điện, hàn xì... Hiện việc xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCCC theo quy định của pháp luật còn quá nhẹ, chưa đủ răn đe, dẫn đến tâm lý xem thường.
"Nếu mỗi cá nhân, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh thường xuyên thực hiện việc tự kiểm tra PCCC, chắc chắn có thể phát hiện nguy cơ cháy nổ để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Nếu cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, không chờ đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng mới tiến hành "tổng kiểm tra", chắc chắn có thể nhanh chóng phát hiện các lỗi vi phạm, ngăn chặn kịp thời cháy nổ" - bạn đọc Nguyễn Đước nhấn mạnh.
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), các điểm kinh doanh karaoke, vũ trường có đặc điểm là không gian kín, nhiều chất và đồ vật dễ cháy, khách hàng sử dụng rượu bia, chất kích thích nên luôn trong tình trạng thiếu tỉnh táo, dễ mất kiểm soát cảm xúc và hành vi. Cháy nổ xảy ra, hậu quả thường rất nghiêm trọng, thực tế đã chứng minh. Đây là loại hình kinh doanh đặc thù, cần tăng cường công tác quản lý về an ninh trật tự, PCCC mới bảo đảm an toàn cho người sử dụng dịch vụ.
Vì vậy, nếu phát hiện cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường không bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật, có nguy cơ gây mất an toàn..., cần phải đình chỉ hoạt động, xử phạt vi phạm hành chính, có thể tước giấy phép và cấm kinh doanh trong một thời gian nhất định. Nếu vi phạm điều kiện về an ninh, an toàn, PCCC mà gây hậu quả nghiêm trọng, cần khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, xử lý nghiêm minh.
B.H.Thanh ghi
Bình luận (0)