Bảo tàng ở TP HCM khá nhiều và phong phú. Muốn tìm hiểu lịch sử của vùng đất Nam Bộ và TP, có thể đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ... Muốn tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống xâm lược của người dân Nam Bộ và TP, có thể đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lực lượng Vũ trang miền Đông Nam Bộ... Muốn tìm hiểu về mỹ thuật TP, có Bảo tàng Mỹ thuật…
Xây dựng bảo tàng với các nhóm chủ đề
Tuy nhiên, hệ thống bảo tàng ở TP HCM còn khá dàn trải. Một số bảo tàng nằm ở vị trí cách xa nhau, muốn thăm một lượt cũng rất khó. Hầu hết các bảo tàng có quy mô khá nhỏ, chưa có những dấu ấn đặc sắc về kiến trúc. Mức độ lan tỏa, độ thông hiểu đối với nhiều người dân TP còn thấp, gây khó khăn cho việc tiếp cận, nhất là khách du lịch.
Ngoài ra, không gian văn hóa của một số bảo tàng còn khá hạn chế, khách đến thăm bảo tàng ít được kết nối với các địa chỉ văn hóa khác để có thể hình thành một chuỗi tham quan. Ở một số bảo tàng, việc bài trí, trưng bày còn khá đơn điệu cả về số hiện vật lẫn cách thức trình bày…
Từ thực tiễn đó, TP cần tập trung một số bảo tàng cùng nhóm chủ đề để hình thành bảo tàng lớn hơn, có quy mô bề thế hơn, số lượng hiện vật nhiều hơn, mức độ lan tỏa rộng hơn… Ví dụ, nhóm bảo tàng liên quan đến lịch sử TP nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung, có thể hình thành một bảo tàng lớn, mang tên chung là Bảo tàng Lịch sử TP HCM, giới thiệu quá trình hình thành, phát triển, lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm… Đây có thể coi là bảo tàng chính của TP.
Bảo tàng này cần có dấu ấn đặc biệt về kiến trúc, nằm ở một khu vực rộng rãi, thuận tiện giao thông, thuộc trung tâm hoặc gần trung tâm TP, có sự gắn kết với các địa chỉ văn hóa khác. Có thể nghiên cứu xây dựng một bảo tàng như vậy tại khu vực Thảo Cầm Viên hiện nay, sau khi di dời Sở Thú về Củ Chi. Tương tự như vậy, nên có một bảo tàng về văn hóa TP HCM, tập trung các chủ đề về mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc…
Song song đó, quan tâm xây dựng các bảo tàng có quy mô nhỏ nhằm gìn giữ nét đặc sắc trên một số lĩnh vực đang có dấu hiệu mai một. Ví dụ bảo tàng về nông nghiệp TP HCM để giới thiệu các loại hình sản xuất nông nghiệp đặc sắc của địa phương hiện đã mai một; đồng thời lưu giữ và giới thiệu các loại nông cụ truyền thống hiện gần như đang thất truyền. Hay gắn với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM để xây dựng một bảo tàng sách, nơi giới thiệu kỹ thuật in ấn sách từ buổi đầu xây dựng TP, giới thiệu các loại sách quý của TP. Tương tự, có thể có bảo tàng tiền Việt Nam, bảo tàng trang phục, bảo tàng giao thông…
Khách tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranhẢnh: HOÀNG TRIỀU
Khuyến khích hình thành bảo tàng tư nhân
Hiện nay, học sinh có phong trào "Hành trình đến với bảo tàng" nhưng sức hút chưa nhiều, ý nghĩa chưa sâu, thực hiện không thường xuyên. Nên chăng, chương trình ngoại khóa của học sinh, sinh viên nhất thiết phải có nội dung đến thăm các bảo tàng và thực hiện việc tìm hiểu, ghi chép, viết thu hoạch về các bảo tàng. Với thực trạng một bộ phận đáng kể người dân TP ít quan tâm đến các bảo tàng, ít kiến thức về các bảo tàng, cần quyết liệt đẩy mạnh công tác truyền thông qua các kênh thông tin báo chí, mạng xã hội...
Để có thêm nhiều nguồn lực xây dựng và phát triển các bảo tàng, TP HCM nên khuyến khích hình thành các bảo tàng tư nhân và đổi mới phương thức hoạt động. Nên xem hoạt động bảo tàng tư nhân vừa là một hình thức kinh doanh vừa là một hoạt động văn hóa để có các chính sách phát triển phù hợp nhằm tạo sự đa dạng về các loại bảo tàng.
Với các bảo tàng thuộc quản lý của nhà nước, cần được đầu tư thường xuyên, không nên xem đây là một hình thức hoạt động tự cân đối ngân sách hoặc khuyến khích tự cân đối. Bởi hoạt động bảo tàng mang tính giáo dục văn hóa, truyền thống đặc sắc, có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống xã hội của TP và giá trị, lợi ích nó mang lại không thể quy đổi bằng tiền.
TP HCM cần xem công tác xây dựng và phát triển hệ thống bảo tàng TP là một nội dung quan trọng về phát triển văn hóa của TP, bởi đây vừa là hoạt động mang lại lợi ích kinh tế (gắn với hoạt động du lịch) vừa có ý nghĩa quảng bá hình ảnh của TP vừa có giá trị giáo dục truyền thống tích cực cho nhân dân.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 bắt đầu từ ngày 4-6-2020 đến hết ngày 31-5-2021, tập trung vào 3 chủ đề chính: Đô thị thông minh, Khởi nghiệp - Thương hiệu của TP HCM và Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM.
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà) hoặc gửi trực tiếp đến Báo Người Lao Động tại địa chỉ: 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu (phường 6 cũ), quận 3, TP HCM.
Giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Bình luận (0)