Hầu hết các tác phẩm gửi đến cuộc thi bám sát 3 chủ đề: Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch Covid-19; Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Kế sách tâm huyết về kinh tế
Với chủ đề "Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch Covid-19", đến nay, Ban Tổ chức đã đăng 11 tác phẩm của nhiều tiến sĩ, chuyên gia trong lãnh vực kinh tế.
Phân tích những khó khăn, bất cập phát sinh trong đợt dịch thứ 4, có nhiều đề nghị cần nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chuẩn bị đủ điều kiện phòng chống dịch để trở lại sản xuất.
Chính quyền cần cấp ngân sách trả lương và công bố công khai nhu cầu việc làm, chính sách thụ hưởng để thu hút nguồn lao động.
DN cần đánh giá lại những điểm mạnh - yếu, từ đó có chiến lược đầu tư củng cố hoàn thiện. Đặc biệt là đầu tư công nghệ theo xu hướng trên nền tảng công nghệ số để thay đổi và hiệu quả hơn, an toàn hơn.
Đồng quan điểm, TS Huỳnh Trung Minh cho rằng với nguồn lực có hạn, TP HCM nên tập trung vào những DN có triển vọng, có cơ hội phát triển trong tương lai, cái nào có khả năng phục hồi nhanh nhất và có lợi nhất cho kinh tế địa phương.
TS Huỳnh Trung Minh cũng lưu ý TP HCM cần ưu tiên dành một phần quỹ đất ở các KCX-KCN xây dựng nhà ở cho công nhân, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất của DN trong các tình huống bất khả kháng, vừa duy trì chuỗi sản xuất.
TS Nguyễn Đình Cung thì khẳng định một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng, đột biến và sáng tạo sẽ là yếu tố không thể thiếu để Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
TS Lê Đăng Doanh hiến kế chuyển mạnh sang kinh tế số sẽ giúp TP HCM duy trì và nâng cao vị thế trung tâm tài chính - ngân hàng của miền Nam và cả nước; trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thể chế, thực hiện công khai minh bạch thông qua vận dụng kinh tế số để góp phần tạo ra chuyển biến mạnh mẽ hơn cho thành phố.
Còn với TS Vũ Tiến Lộc, TP HCM cần có giải pháp phù hợp dựa trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những bất cập, tồn tại phát sinh trong thực tế.
Cụ thể, hỗ trợ DN những kỹ năng sống chung với dịch và kinh doanh an toàn nhưng chỉ nên đề ra những tiêu chuẩn, quy trình khung và buộc DN tuân thủ. Còn cách thức tuân thủ cụ thể, mô hình riêng ra sao phải do DN tự quyết định dựa trên điều kiện, tình hình thực tế của họ.
Nhiều hiến kế tâm huyết để TP HCM phát triển, giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước Ảnh: Hoàng Triều
Nhiều giải pháp để giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế
TP HCM là thành phố lớn và năng động nhất cả nước, có lực lượng trí thức công nghệ đông đảo, cộng với khoảng gần 50% start-up (công ty khởi nghiệp) chọn làm nơi khởi nghiệp.
Với tác giả Ngô Quốc Việt, đó là tiền đề để TP HCM trở thành trung tâm khởi nghiệp hàng đầu của nước ta và xa hơn là của cả khu vực. TP HCM nên lấy bài học kinh nghiệm từ các thành phố khởi nghiệp đi trước như Seoul - Hàn Quốc, Bangalore - Ấn Độ hay Singapore, bên cạnh trung tâm khởi nghiệp đóng vai trò đầu não kiểm soát và vận hành hàng chục cơ sở hỗ trợ start-up trải rộng khắp thành phố, cần nhiều vườn ươm công nghệ khác được thành lập. Tất cả tạo thành một hệ sinh thái công nghệ đa dạng.
Nhìn ra thế giới, mỗi quốc gia hay thành phố đều gắn liền với những thương hiệu lớn của các DN và chính những thương hiệu này định vị nên giá trị sản phẩm trên thị trường, góp phần đưa DN vươn tầm khu vực và quốc tế.
Vì vậy, theo tác giả Chung Thanh Huy, việc xây dựng thương hiệu TP HCM đang trở thành nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc này đòi hỏi một quyết định mang tầm chiến lược song hành với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Về việc muốn tận dụng cơ hội để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, tác giả Đinh Vĩnh Cường đề nghị thành phố tiếp tục cải cách thể chế, có những chính sách thu hút nhà đầu tư và tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư. Cụ thể nhất là đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo nguyên tắc "một cửa", "một dấu".
TP HCM có hơn 300 năm phát triển, giao thoa văn hóa và đổi mới, thạc sĩ Lê Anh Tú (Trường Đại học Văn Lang) khẳng định du lịch của TP HCM hoàn toàn đủ sức hút và cá tính để tạo đà cho thành phố khẳng định vị thế đầu tàu và nâng tầm quốc tế.
Tuy nhiên, cần có một chiến lược tổng thể về du lịch - ẩm thực để phát huy tiềm năng của "tài nguyên bản địa" rất dồi dào này.
Cụ thể, thực hiện sớm "Bản đồ du lịch ẩm thực TP HCM"; triển khai thêm nhiều tour, tuyến hướng; phát triển thêm nhiều chuỗi quán ăn, nhà hàng mang hương vị, màu sắc và câu chuyện ẩm thực Việt Nam, kết hợp chiến lược chuỗi và nhượng quyền vào tài nguyên bản địa; ứng dụng hiệu quả các sáng kiến, dự án từ các cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vào du lịch - ẩm thực, tăng cường ứng dụng công nghệ vào ngành dịch vụ.
Tác giả Mai Trang thì cho rằng Chợ Lớn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế tri thức, kỹ thuật cao. Vì vậy, TP HCM cần tính đến khu Chợ Lớn với những giải pháp tổng hợp, đồng bộ, tạo sự phát triển lâu dài, vững chắc cho người Hoa trong nền kinh tế của thành phố và cả nước để giải quyết vấn đề vốn, đổi mới công nghệ, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Với tác giả Tú Nguyên, để nâng tầm diện mạo TP HCM, trước mắt cần bắt đầu từ những việc gần gũi, dân sinh như: giải quyết ngập nước, kẹt xe, chợ tự phát và rác thải.
Tác giả Tôn Thất Thọ đề nghị nên tổ chức lại không gian sông Sài Gòn, thực hiện công tác lập quy hoạch, kết hợp vận dụng đặc trưng sông Sài Gòn để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, cuộc sống cư dân địa phương…
Tiếp tục nhận bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Chủ đề chuyển đổi số đã đăng 15 tác phẩm với nhiều hiến kế thiết thực. Như tác giả Mai Đức Trung cho rằng cần tập trung hơn nữa vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Các thủ tục hành chính phải số hóa theo hướng đơn giản, tinh gọn, đầy đủ trên môi trường mạng; lấy người dân, DN và tổ chức là trung tâm để hoàn thiện các dịch vụ hành chính công theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả và tiện lợi.
Quan tâm đến chuyển đổi số trong giáo dục, tác giả Mai Thị Nhung khẳng định với vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng để phát triển đất nước, giáo dục sẽ là lĩnh vực tiên phong trong quá trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số trong GD-ĐT ở TP HCM cần tập trung vào 2 nội dung chủ đạo là quản lý giáo dục và dạy - học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học.
Bác sĩ Lê Ngọc Phú nêu thực trạng đang diễn ra ở TP HCM là thiếu hụt nguồn nhân lực, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tế và việc số hóa còn chậm.
Để thực hiện chuyển đổi số cho ngành y, cần tăng hiệu suất của các cơ sở khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng, hình ảnh của ngành y tế và đem đến trải nghiệm tối ưu cho người bệnh. Nếu được tiến hành số hóa đồng bộ, có sự phối hợp tích cực của cả hệ thống thì đây sẽ là một bệ phóng vững chắc cho một nền y tế thông minh.
Còn với tác giả Ngô Văn Cường, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là cách tạo động lực mới cho việc tăng trưởng, phát triển bền vững ở tương lai.
Đặc biệt, chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp sẽ khắc phục được điểm yếu cố hữu là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết với thị trường tiêu thụ; tăng giá trị sản phẩm và đem về lợi nhuận cao.
Bình luận (0)