Dù chạy đúng hướng trên đường song hành xa lộ Hà Nội (đoạn từ đường Võ Trường Toản kéo dài đến đường An Phú), ông Nguyễn Vắn (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) chỉ có thể nép sát lề. Bởi dù là đường 2 chiều nhưng dòng phương tiện ở chiều ngược lại vẫn dàn hàng ngang, chiếm hết chiều còn lại.
Ngang nhiên vi phạm
Thường xuyên đi lại trên đoạn đường này, ông Vắn kể tình trạng xe máy chạy ngược chiều ở đây diễn ra như cơm bữa. Dòng phương tiện đi từ cầu Rạch Chiếc, hướng vào trung tâm thành phố, để tránh chờ đèn đỏ sẽ rẽ vào đường song hành xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, nếu như đoạn gần cầu Rạch Chiếc có 2 làn đường tách biệt, chạy song song nhau thì từ đoạn cắt đường An Phú trở đi gộp thành một đường 2 chiều, dòng phương tiện từ cầu Rạch Chiếc chạy vào lại chiếm cả 2 chiều lưu thông. Trong khi ở chiều ngược lại, xe máy, ôtô cũng nhiều dẫn đến ùn ứ. Nhiều người mất kiên nhẫn, xuyên qua bãi cỏ ngăn cách với xa lộ Hà Nội để tìm đường đi. Dần dần, cỏ được trồng tạo cảnh quan bị xe cán nát hết, hình thành luôn "con đường mòn".
Ghi nhận chiều 15-6, tình trạng xe máy ngang nhiên chạy ngược chiều đã khiến giao thông qua đoạn đường song hành xa lộ Hà Nội hỗn loạn, mất an toàn.
Đây không phải là tình trạng cá biệt. Tại tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến Lê Duẩn, cũng thường xuyên xảy ra tình trạng xe máy đi ngược chiều. Trước đó, từ ngày 7-5, đoạn đường này được phân luồng lưu thông 1 chiều nhưng nhiều người điều khiển xe máy vẫn đi ngược chiều, bất chấp biển cấm. Tại một số thời điểm, do lượng xe đi đúng làn đường dàn kín mặt đường, một số người leo hẳn lên vỉa hè để tiếp tục đi ngược chiều.
Tình trạng xe máy chạy ẩu như trên cũng được ghi nhận tại các tuyến đường huyết mạch như Cộng Hòa, Trường Chinh, Cách mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ… Khi không thể tràn xuống đường, người đi ngược chiều thường chọn tràn lên vỉa hè.
Xe máy chạy thành đoàn, chiếm cả 2 làn trên đường song hành xa lộ Hà Nội, TP HCM. (Ảnh chụp ngày 15-6)
Tiềm ẩn tai nạn
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, trong quý I/2022 (tính từ ngày 15-12-2021 đến 14-3-2022), riêng đường bộ, toàn quốc xảy ra 2.731 vụ, làm chết 1.630 người, bị thương 1.734 người. Nguyên nhân lớn gây ra tai nạn giao thông đường bộ là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường và vi phạm tốc độ.
Theo ghi nhận thực tế, không chỉ ôtô mà tình trạng xe máy chạy quá tốc độ cũng xảy ra thường xuyên tại các tuyến đường.
Trưa 16-6, theo chân Đội CSGT An Sương (thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM) lập chốt kiểm tra tốc độ trên Quốc lộ 22, qua huyện Hóc Môn. Ngay khi CSGT vừa bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, đã liên tục phát hiện nhiều xe máy chạy quá tốc độ khi lưu thông qua đoạn đường này.
Cụ thể, chưa đến 1 giờ, lực lượng chức năng đã lập gần 10 biên bản vi phạm tốc độ, lỗi vi phạm cụ thể là chạy quá tốc độ từ 5-10 km/giờ. Đối với các hành vi này, người vi phạm sẽ bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng. Cá biệt, có trường hợp lưu thông với tốc độ 68 km/giờ, trong khi tốc độ cho phép khi qua đây là 50 km/giờ. Phân trần về hành vi vi phạm, hầu hết người vi phạm đều nói đường vắng, không có xe tải chạy nên tranh thủ phóng nhanh.
Theo Đội CSGT An Sương, tình trạng xe máy chạy ẩu đang rất đáng báo động. Từ đầu năm trở lại đây, tính riêng lỗi đi vào khu vực cấm, đường cấm, Đội CSGT An Sương đã xử phạt hơn 5.300 vụ, trong đó có 229 vụ là xe tải.
Còn theo Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn (thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM), trong 1 tháng gần đây, đơn vị đã lập biên bản gần 200 trường hợp điều khiển xe chạy vào đường ngược chiều, trong đó hầu hết là xe máy.
Khó khăn trong xử lý
Theo một cán bộ Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, nguyên nhân vi phạm là do mức phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, công tác xử lý của lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong khi lực lượng CSGT hạn chế thì số lượng xe máy tham gia giao thông cũng như lỗi vi phạm lại quá nhiều. Một số khác bị dừng phương tiện để kiểm tra sau khi phát hiện lỗi thì sẵn sàng quay đầu xe bỏ chạy hoặc vượt qua các chốt kiểm tra với tốc độ cao...
"Để xử lý dứt điểm tình trạng này, việc tăng chế tài xử phạt là cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu, tổ chức giao thông hợp lý hơn, bố trí hạ tầng giao thông để giảm áp lực trong các khung giờ cao điểm. Quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, góp phần xây dựng văn hóa giao thông" - vị này nói.
Bình luận (0)