Gần 2 tháng qua, nhiều người đến điều trị tại Khoa Phỏng và Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy lần lượt xuất viện nhưng bà Nguyễn Thị Mỹ (63 tuổi, quê Bình Thuận) vẫn ngày đêm chăm sóc cho cô con gái bị phỏng toàn thân do lửa xăng gây ra.
Nằm trên giường bệnh, cứ ít phút chị Nguyễn Thị H. (27 tuổi) lại trở mình than đau. Vết thương toàn cơ thể khiến chị đau buốt cả đêm lẫn ngày, làm cho nhiều người nuôi bệnh mủi lòng. Nhìn con gái đau đớn rên khóc, bà Mỹ không cầm được nước mắt liền kéo chúng tôi ra hành lang bệnh viện bởi cứ mỗi khi cô con gái cất tiếng rên là lòng bà như bị ai đó xé ra từng mảnh.
Không tin là sự thật
Bình tâm lại, bà Mỹ kể gia đình bà mưu sinh bằng nghề bán vé số và công việc của H. cũng bấp bênh. Sau khi sinh con thứ tư, chồng H. bỏ đi đâu không rõ nên H. dẫn 2 con sinh đôi vào TP Vũng Tàu làm ở quán ăn. Làm được vài tháng, H. nảy sinh tình cảm rồi dắt con về sống chung với một thanh niên quê An Giang. Hạnh phúc chưa tày gang, sống trọ cùng với thu nhập bấp bênh nên nhiều lần gã người tình muốn H. thẳng thừng bày tỏ ý định cho 2 con trai song sinh của H. để đổi lại một khoản tiền lấy vốn làm ăn. Thương con, chị H. phản đối và như thế ngày nào chị cũng phải nghe lời nặng nhẹ cùng những trận đòn thừa sống thiếu chết. Ðỉnh điểm, những ngày giáp Tết nguyên đán 2019, người tình của H. dẫn bạn về phòng trọ ăn nhậu rồi tiếp tục chửi mắng và dọa sẽ kết liễu đời H.
"Tưởng anh ta chỉ dọa như mọi lần nên tôi bỏ lên gác. Ấy vậy mà anh ta nhẫn tâm mang xăng lên tạt vào người tôi rồi châm lửa đốt. Tôi đau đớn nhảy xuống từ căn gác trọ và được mọi người đưa đi cấp cứu. Trên đường đến bệnh viện, tôi cầu xin ơn trên đừng để tôi chết vì còn 4 đứa con quá nhỏ. Bây giờ nghĩ lại thấy sao mình lại thương anh ta một cách mù quáng và không thể tin rằng anh ta có thể làm vậy…" - chị H. chen vào giữa câu chuyện khi nghe nhắc đến gã người tình bạc ác.
Tiếp lời con, bà Mỹ nói rằng do con mình dại, thương phải một kẻ lòng người dạ thú. "Ðã vậy, khi xảy ra sự việc, con gái tôi còn che giấu hành vi của người tình. Con tôi nói rằng do sơ ý nên bị phỏng xăng. Khi đau đớn quá, cùng cực quá con tôi mới kể với tôi rằng bị người tình châm lửa đốt. Nghe xong, tôi cảm thấy căm phẫn kẻ đã hại con mình ra nông nỗi này" - người mẹ đau lòng nói.
Cũng giống như chị H., chị Hồng Anh (25 tuổi, quê Ninh Thuận) phải chịu đau đớn trong một thời gian dài do bị di chứng của vết phỏng gây ra. Ðến nay, sau 2 tháng điều trị, chị Hồng Anh phải trải qua hơn 10 lần phẫu thuật giải phóng di chứng. Các bác sĩ đã tạo điều kiện, thuốc thang tốt nhất để chị hòa nhập cuộc sống, thế nhưng cứ nhìn vào cơ thể mình là mối hận lòng của chị lại trào lên.
Với đôi bàn tay bị co rút, vết thương nhăn nhúm vùng mặt, cổ, chị Hồng Anh nghẹn ngào: "Những ngày Tết, chồng tôi thua bầu cua về kêu tôi đưa tiền đi chơi tiếp. Do đã cạn tiền, còn lại vài triệu đồng để sau Tết lo cho các con nên tôi cương quyết không đưa. Thế là anh ta nổi máu côn đồ, dùng xăng tưới vào người tôi rồi châm lửa đốt. May mắn tôi được đưa đến bệnh viện kịp thời, được người nhà sơ cứu đúng cách nên vết thương chỉ 30% cơ thể và hiện phải trải qua nhiều lần tạo hình thẩm mỹ".
Chị Nguyễn Thị H. liên tục lau nước mắt khi kể về cuộc đời bất hạnh của mình
Điều dưỡng Phạm Thị Bích Vân nói chị vẫn cứ run lên mỗi khi tiếp nhận thêm bệnh nhân bị bạo hành
Người ở "trung tâm" nỗi đau
Nhiều năm làm công tác chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Phỏng và Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, điều dưỡng Phạm Thị Bích Vân nói rằng dù thường xuyên chứng kiến những trường hợp phụ nữ bị bạo hành nhưng chị vẫn cứ thế run lên bần bật mỗi khi tiếp nhận thêm những bệnh nhân bị bạo hành.
Theo chị Vân, qua thăm hỏi các nạn nhân thì nguyên nhân thường xuất phát từ bản tính côn đồ của những gã đàn ông vốn là chồng, là người yêu, người tình nhưng bạc nhược, ích kỷ mà ra. Vì lẽ đó, lúc mới nhập viện nạn nhân thường chỉ biết khóc, chấp nhận, ít chia sẻ bởi với họ kẻ thủ ác đã từng có những phút giây hạnh phúc bên mình. Thế nhưng, khi trải qua giai đoạn đau đớn, quá trình chăm sóc nhiều tuần, nhiều tháng các nạn nhân mới dần trải lòng. "Khi nạn nhân đã mở lòng, chúng tôi thường kể cho họ nghe những câu chuyện tương tự của những người khác và cách họ vượt qua nỗi sợ hãi như thế nào. Chúng tôi lấy câu chuyện người này, so sánh với người kia để họ vượt qua, vươn lên và tiếp tục sống cuộc đời vui tươi hơn. Lúc họ tin rồi thì mình tiếp tục khuyên họ cố sống vì với sự phát triển của y học hiện đại thì việc phục hồi, thẩm mỹ vết thương cũng không khó" - điều dưỡng Bích Vân tâm sự.
Theo chị Vân, trong số những nạn nhân nữ bị bạo hành thì trường hợp khiến chị ám ảnh nhất đó là sự ra đi của cô thư ký văn phòng cách đây 8 năm. Theo lời kể, vợ chồng nữ thư ký từ quê lên thành phố làm việc, họ mướn trọ và có 2 con. Ðến khi cô mang thai đứa con thứ ba thì người chồng nghi ngờ không phải giọt máu của mình nên đã dùng xăng đốt vợ. Sau khi làm chuyện tàn ác, người chồng vẫn vào bệnh viện chăm sóc vợ và tỏ ra hối hận. Sau gần 2 tháng đau đớn chống chọi với vết thương, cuối cùng cô thư ký đã ra đi trong đau đớn, để lại 2 con mồ côi mẹ. "Kẻ thủ ác ắt bị trừng trị nhưng ở đời nỗi đau lớn nhất chính là người thủ ác ấy lại là người thân, người đầu ấp tay gối thì quả là khó mà không ám ảnh" - chị Vân cảm thán.
Khánh kiệt và nợ nần
Theo chị H., cuộc sống của 4 con chị giờ trông chờ hoàn toàn vào số tiền còm cỏi mà người cha già từng ngày đi bán vé số dạo kiếm được, tài sản trong nhà đã lần lượt bán đi. Riêng việc điều trị của chị, nay vẫn dựa vào tấm lòng của các nhà hảo tâm. "Kể từ ngày tôi bị bạo hành dẫn đến phỏng toàn thân đến nay thì gia đình gần như khánh kiệt, bởi chi phí điều trị hiện đã hơn 100 triệu đồng. Thương nhất là 4 con nhỏ bữa đói, bữa no. Trong khi tôi thì nằm viện không biết ngày ra… Bảo hiểm y tế không có, nợ nần chồng chất, nhiều khi muốn "ra đi" cho thanh thản nhưng lại thương 4 con côi cút…" - chị H. nói ngắt quãng.
Hoàn cảnh của chị Hồng Anh cũng không sáng sủa gì hơn khi bản thân chị liên tục phải phẫu thuật với chi phí khá lớn nên gia đình khánh kiệt và nợ nần ngày càng nhiều.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, điều dưỡng trưởng Khoa Phỏng và Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, chi phí điều trị phỏng rất tốn kém. Thế nhưng, oái oăm thay đa phần các vụ bạo hành lại rơi vào những phụ nữ vốn có cuộc sống khó khăn. Họ nhập viện trong tình cảnh không tiền, không bảo hiểm y tế nên gia cảnh bị nợ nần chồng chất sau điều trị. "Mạnh thường quân cũng có hạn nên để đề phòng chuyện bất trắc có thể xảy đến thì mọi người nhất là phụ nữ lao động tự do nên mua bảo hiểm y tế hòng giảm phần lớn gánh nặng cho bản thân và gia đình" - bà Quỳnh Giao nhắn gửi.
Căm phẫn, sốc và đau xót
Đó là cảm xúc của rất nhiều bình luận mà bạn đọc gửi về Tòa soạn Báo Người Lao Ðộng khi đọc bài "Nhức nhối nạn bạo hành phụ nữ".
Bạn đọc Ngọc Tiên viết: "Người dân phải sống và làm việc theo pháp luật nhưng ngược lại luật ban hành ra cần nghiêm khắc hơn để bảo vệ những phụ nữ bị bạo hành. Những tên tội phạm độc ác tạt axít phụ nữ phải xử tội giết người với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Chưa hết, khi xử nghiêm còn phải thông tin rộng rãi cho mọi người biết để răn đe".
Đồng cảm với các nạn nhân, bạn đọc Tuấn Anh chia sẻ: "Nhiều phụ nữ sống hy sinh cho chồng, cho con và khi bị bạo hành thì chịu đựng, không dám đứng lên tố cáo. Cho nên xã hội cần phải ủng hộ, sát cánh cùng với những phụ nữ yếu thế để họ mạnh dạn tố giác kẻ bạo hành mình, cùng họ vượt qua nỗi đau để sống cuộc đời tươi đẹp sau những ngày dài đau khổ".
Bình luận (0)