Bạo lực gia đình diễn ra ở cả phương diện tinh thần lẫn thể xác, với những mức độ khác nhau. Nhẹ thì mắng chửi, nạn nhân bị đẩy ra đường; nặng hơn thì bị đánh đập, hành hạ, thậm chí có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Những kẻ gây ra tội ác lại chính là người từng "đầu gối tay ấp", cùng sống chung dưới một mái nhà nên một khi xảy ra mâu thuẫn, bạo hành, nạn nhân thường rất khó đề phòng.
Điều đáng nói, tuy đây là vấn nạn đã xảy ra từ nhiều năm nay nhưng có tới 1/3 số gia đình mỗi khi xảy ra vấn đề bạo lực gia đình thường không biết phải làm gì; khoảng 25% gia đình cho rằng bạo lực gia đình là việc riêng của hàng xóm, không nên can dự vào.
Cho dù nhận thức của người dân trong xã hội hiện nay đã nâng cao nhưng bạo lực gia đình vẫn tiếp diễn là do chúng ta vẫn chưa thể xóa bỏ được hoàn toàn tư tưởng bất bình đẳng giới. Thậm chí, ngay chính người vợ đôi khi cũng chấp nhận việc bị chồng bạo hành vì "xấu chàng thì hổ thiếp".
Chúng ta có nhiều luật với các điều khoản, quy định nhằm ngăn cấm, định tội cho hành vi bạo lực gia đình, như: Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Bộ Luật Hình sự… Tuy nhiên, để các luật này đi vào cuộc sống, trong thực tế vẫn còn rất nhiều hạn chế. Thêm vào đó, việc xử phạt các hành vi bạo lực gia đình không đủ sức răn đe, đa số thường được hòa giải, trong khi đó, thực tế cho thấy nếu chỉ hòa giải thì sẽ không bao giờ dập tắt được bạo lực. Thiết nghĩ, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức còn cần xử phạt nghiêm minh, bằng những chế tài thích đáng hơn nữa mới mong hạn chế được vấn nạn bạo lực gia đình.
Bình luận (0)