xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thói vũ phu phải bị trừng trị: Phải thay đổi nhận thức

Ý Linh - Anh Thư - Phạm Dũng

Ngoài trừng phạt hành vi bạo lực, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về bình đẳng giới, quyền con người, những quy định pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình...

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM):

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức rất lớn

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2018, số liệu thống kê về nạn bạo lực gia đình tại Việt Nam cho thấy 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết từng trải qua bạo lực gia đình (thể xác, tinh thần và tình dục).

Để ngăn chặn nạn bạo lực gia đình, Nghị định (NĐ) 167/2013/NĐ-CP quy định về hình thức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, quy định về hình thức phạt tiền của NĐ này chưa hợp lý, mức hình phạt thấp. Ngay cả với những hình phạt cao hơn thì đối với những người có điều kiện kinh tế, phạt tiền cũng không có ý nghĩa giáo dục họ. Với những trường hợp người nộp phạt không có thu nhập thì rất nhiều trường hợp nạn nhân phải đi nộp. Vì vậy, có thể xem xét bỏ chế tài phạt tiền, thay vào đó là lao động công ích. Biện pháp này có thể mang tính khả thi cao hơn vì có ý nghĩa giáo dục tích cực với người có hành vi bạo lực và những cá nhân khác, đồng thời không ảnh hưởng đến quyền lợi của nạn nhân.

Bên cạnh đó, cần quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức này còn rất mờ nhạt. Nhiều nơi chưa ý thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác này; pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cũng chưa có một quy định chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của họ. Dung túng, bao che, không xử lý hay xử lý không đúng quy định của pháp luật… là hành vi bị cấm theo quy định tại điều 8 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhưng không thấy bất cứ hình thức xử phạt nào cho những hành vi này. Do đó, cần quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của cơ quan tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình. Sự thờ ơ, thiếu quan tâm, vô trách nhiệm cũng cần có những chế tài thích đáng.

Ngoài ra, khi đã xử phạt theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 và Nghị định 167/2013/NĐ-CP mà người vi phạm vẫn tái phạm thì cần mạnh dạn xử lý hình sự theo quy định tại điều 185 của Bộ Luật Hình sự 2015 về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình.


Thói vũ phu phải bị trừng trị: Phải thay đổi nhận thức - Ảnh 1.

Vụ chồng dìm đầu vợ xuống nước ở Tây Ninh (ảnh từ clip)Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM):

Nạn nhân rút đơn, cũng khởi tố

Xã hội càng văn minh, dân trí càng được nâng cao nhưng bạo hành phụ nữ trong gia đình vẫn gia tăng và nhức nhối. Nhiều phụ nữ bị chồng hành hạ dã man, di chứng nặng nề, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Đáng nói là có những phụ nữ có vai trò, địa vị trong xã hội, nhận thức được việc bị bạo hành nhưng vẫn cam chịu vì sĩ diện và vì con. Có người ban đầu tố cáo nhưng sau đó lại rút đơn khi chồng năn nỉ bỏ qua.

Bạo hành phụ nữ không những gây ra những hệ lụy làm tổn hại danh dự, suy kiệt sức khỏe, thể chất, tinh thần của người phụ nữ mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách lệch lạc của con trẻ, làm suy đồi văn hóa, đạo đức xã hội. Đặc biệt, con cái chính là đối tượng phải gánh chịu những dư chấn tâm lý nặng nề nhất sau những vụ bạo hành gia đình.

Vì vậy, phụ nữ phải mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ bản thân và các con của mình. Khi bị bạo hành, phụ nữ có thể liên hệ ngay đến hội phụ nữ địa phương để nhờ can thiệp và được bảo vệ. Theo Luật Phòng, chống bạo hành gia đình, mọi hành vi xâm hại đến thể chất và tinh thần của người khác đều phải chịu chế tài của pháp luật. Với những trường hợp bạo hành có sự chứng kiến của trẻ con, dù người trong cuộc rút đơn, đề nghị khởi tố để xử lý.

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới, quyền con người, những quy định pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình…

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh - Phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược 1:

Vết thương vô hình

Một đứa trẻ cho dù không trực tiếp bị bạo hành nhưng chứng kiến cha mẹ dùng bạo lực với nhau cũng đã đủ bị tổn thương sâu sắc. Ngay cả những đứa bé mà cha mẹ bất hòa, chia ly khi bé còn trong bụng mẹ cũng bị ảnh hưởng tâm lý khi ra đời. Với đứa trẻ phải chứng kiến cha mẹ cãi nhau, dùng bạo lực, chia tay…, cho dù lúc đó chỉ 1-2 tuổi, vẫn có thể bị "hội chứng chia ly", dẫn đến sự rối loạn nhân cách, mà phổ biến nhất là sự chống đối xã hội, cố ý làm cái gì đó vượt ra khỏi khuôn khổ đạo đức, pháp luật… để bù đắp khiếm khuyết trong tâm hồn.

Vì vậy, nếu cha mẹ không thể hòa giải và phải chia tay nhau thì người sống với trẻ nên theo dõi chặt chẽ biểu hiện của trẻ. Nếu có dấu hiệu "chuyển di", tức sự sao chép hình ảnh bạo lực ngày xưa trong những hoàn cảnh khác; hay thay đổi tính tình; hay lo âu, hoảng sợ thất thường, vì những điều không đâu, cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa. Nếu không được can thiệp, nguy cơ cảm xúc dồn nén đó sẽ bùng phát khi trẻ đã lớn. Trẻ muốn trả thù cha nhưng vô thức xoay sự trả thù đó sang vợ con mình hay một người nào khác cho dù trong quá khứ, đứa bé từng thương mẹ, muốn bảo vệ mẹ. Vì vậy, gần trẻ và kịp thời giúp trẻ là điều rất cần thiết sau khi đã đưa trẻ thoát cảnh bạo hành, để tránh tạo ra thêm một người lớn bạo hành khác.

Đừng để trẻ chứng kiến bạo hành

Theo ThS-BS Đinh Thạc, Trưởng Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, đứa trẻ phải chứng kiến cha mẹ bạo hành nhau đầu tiên sẽ cảm thấy tổn thương và bất lực. Lâu dài, trẻ sẽ sợ hãi, ngại giao tiếp với người gây ra bạo lực. Tất cả đều ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, sinh ra nhiều điều ức chế, học hành không tốt…

BS Đinh Thạc khuyên nếu trước mắt chưa thể hoàn toàn dứt bỏ, người bị bạo hành nên tìm cách để trẻ càng ít chứng kiến cảnh đó càng tốt. Về lâu dài, cha mẹ cần giải quyết mối quan hệ của mình bởi cách gì thì trẻ cũng bị ảnh hưởng ít hay nhiều. Nhất là bé trai sống trong gia đình bạo hành, càng lớn trẻ càng khó dạy, bất cần đời.

A.Thư

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo